Xu hướng phát thải khí nhà kính toàn cầu cho thấy đến năm 2100, trái đất có thể sẽ nóng thêm 4 độ C và khiến Việt Nam sẽ phải gặp phải sự thay đổi nhiệt độ lớn, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc. Các thảm họa thiên nhiên và mực nước biển dâng đã và đang gây ra những hậu quả nặng nề đối với con người và tài sản, gây ra những ảnh hưởng bất lợi tới tăng trưởng và giảm nghèo, và tới nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.
Trong hai thập kỷ qua, ước tính mỗi năm Việt Nam đã thiệt hại từ 1% đến 1,5% GDP do các thảm họa thiên nhiên. Chẳng hạn như cơn bão Xangsane năm 2006 đã gây thiệt hại tới 1,2 tỉ đô la Mỹ ở 15 tỉnh ở khu vực miền Trung.
Mặc dù Việt Nam chưa phải là quốc gia phát thải lượng lớn khí nhà kính, nhưng lượng khí này của Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Từ năm 2000 đến năm 2010, lượng khí nhà kính trên đầu người của Việt Nam đã tăng 180% và tổng lượng khí thải nhà kính tăng 150%.
Chính phủ Việt Nam đang thể hiện cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và tăng trưởng xanh, áp dụng phương thức liên lĩnh vực tập trung vào thích ứng và tăng cường nỗ lực để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Để hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, Ngân hàng Thế giới đang triển khai 19 dự án tập trung vào các chương trình giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu thông qua phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, và các dự án giao thông phát thải các-bon thấp; các chương trình thích ứng khí hậu thông qua nông nghiệp thông minh với khí hậu, khả năng phục hồi sau các thảm họa liên quan tới khí hậu và quản lý nguồn tài nguyên nước. Hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới cũng giúp Việt Nam tiến hành các nghiên cứu về phát triển ít phát thải khí nhà kính, lựa chọn ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu trong lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, rà soát chi tiêu công cho biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực thể chế, chính sách và phối hợp đa ngành, v.v…
Tại sao cần phải quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu? Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào? Đâu là những động lực để các nước đang phát triển chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu? Mỗi chúng ta có thể làm gì để ứng phó với biến đổi khí hậu? Ngân hàng Thế giới có lời có thể giúp gì cho Việt Nam trong vấn đề này?
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam cuối tháng 3/2014, ông Axel Van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương đã đến thăm Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam và cũng là nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi mực nước biển dâng.
Ông van Trotsenburg quản lý một danh mục đầu tư trị giá 30 tỷ USD vốn vay, tín dụng ưu đãi, tín dụng không hoàn lại ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Ông chỉ đạo việc thực hiện chiến lược của Ngân hàng Thế giới trong khu vực nhằm hỗ trợ các nước đối phó với bốn thách thức chính: thiên tai, nghèo và bất bình đẳng, cơ sở hạ tầng và đô thị hóa, và xây dựng chính phủ hoạt động vì người dân.
Vào lúc 9h sáng ngày thứ Hai, 31/3/2014, ông Axel Van Trotsenburg sẽ tham gia thảo luận trực tuyến trong vòng 1 tiếng với độc giả VietNamNet về các thách thức và giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Xin mời độc giả đặt câu hỏi và thảo luận với ông Axel Van Trotsenburg tại đây.
Tác giả bài viết: -
Nguồn tin: Theo VACNE
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn