Ecologo và bài học kinh nghiệm cho Nhãn Xanh Việt Nam
Chương trình nhãn sinh thái của Canada - The Ecologo Program là chương trình nhãn sinh thái do Chính phủ Canada xây dựng năm 1988. Đến nay, Ecologo là chương trình nhãn sinh thái lớn nhất Bắc Mỹ được công nhận trên phạm vi toàn thế giới với hơn 450 khách hàng thường xuyên và cấp chứng chỉ cho hơn 10.000 sản phẩm khác nhau.
1. Chương trình nhãn sinh thái của Canada - The Ecologo Program
Chương trình nhãn sinh thái của Canada - The Ecologo Program là chương trình nhãn sinh thái do Chính phủ Canada xây dựng năm 1988. Đến nay, Ecologo là chương trình nhãn sinh thái lớn nhất Bắc Mỹ được công nhận trên phạm vi toàn thế giới với hơn 450 khách hàng thường xuyên và cấp chứng chỉ cho hơn 10.000 sản phẩm khác nhau. Đây là tổ chức chứng nhận tiêu chuẩn môi trường có uy tín nhất và là những người tiên phong thành lập Mạng lưới Nhãn sinh thái Toàn cầu. Chương trình Ecologo cung cấp cho các nhà doanh nghiệp và cộng đồng sự chứng thực về tiêu chuẩn môi trường của các sản phẩm, dịch vụ được gắn nhãn sinh thái. Những sản phẩm, dịch vụ được mang logo của chương trình Ecologo là những sản phẩm có tính ưu việt hơn về môi trường so với các sản phẩm cùng loại sau khi trải qua những kiểm nghiệm nghiêm ngặt và khoa học phản ánh các khía cạnh môi trường của toàn bộ vòng đời sản phẩm. Chương trình EcoLogo là một trong hai chương trình gắn nhãn sinh thái ở Bắc Mỹ được kiểm toán bởi Mạng lưới Nhãn sinh thái toàn cầu (GEN) đáp ứng tiêu chuẩn ISO 14024 về gán nhãn sinh thái.
Xuất phát điểm khi mới thành lập, Ecologo được xây dựng với sự giúp đỡ của chương trình nhãn sinh thái Đức- Blue Angel. Khi đó, Bộ Môi trường Canada vận hành chương trình với cơ cấu và quy trình tổ chức cấp nhãn giống như ở Việt Nam- có văn phòng nhãn để nộp hồ sơ, trong quá trình xây dựng tiêu chí cũng có sự phản hồi từ công chúng. Khi nhận hồ sơ xin đăng ký, mời thành viên và công chúng góp ý về hồ sơ đó, mời chuyên gia trong lĩnh vực xin đăng ký để giúp cho việc đánh giá. Tuy nhiên, cách làm này mất nhiều thời gian và đôi khi khách hàng không hài lòng với khoảng thời gian dài xin đăng ký. Thời gian này, bộ máy vận hành chương trình cồng kềnh, không hiệu quả và kết quả là mới có 01 tiêu chí được xây dựng và rất ít hồ sơ đăng ký nhãn sinh thái được cấp.
Đến năm 1995, Bộ Môi trường Canana quyết định giao việc tổ chức chương trình Nhãn sinh thái cho cho tổ chức tư nhân hoạt động dưới sự giám sát của Bộ Môi trường. Terra Choice là công ty tư nhân trúng thầu quản lý chương trình Ecologo. Khi ký hợp đồng với Bộ Môi trường Canada, Terra Choice phải cam kết phát triển chương trình sao cho có nhiều người biết đến và có nhiều công ty đăng ký, sử dụng thương hiệu này .
Terra Choice đã tìm kiếm nguồn tài chính để thực hiện chương trình, thu phí khách hàng khi đến đăng ký nhãn hiệu. Terra Choice đã thiết lập một nhóm marketing cho nhãn hiệu chương trình với phương châm dùng marketing để hoàn thiện chương trình và nhãn hiệu của Ecologo là công cụ để marketing. Kinh nghiệm của Ecologo cho thấy vai trò của marketing quan trọng do nếu không có cầu thì sẽ không có cung. Marketing tạo ra nhu cầu, khi có cầu sẽ thì sẽ có cung. Terra Choice có nhiều cách để tạo ra cầu và một trong những cách đó là vận dụng chương trình mua sắm công của Chính phủ với việc bỏ thầu ưu tiên cho những tổ chức, cá nhân cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.
Để phát triển chương trình, cần phải gây dựng được lòng tin với nhãn hiệu chương trình và thu hút được các nhà sản xuất, cung ứng, người tiêu dùng quan tâm tới chương trình. Nhãn mác là công cụ để marketing. Điều quan trọng là uy tín của nhãn, người dân, tiêu dùng phải có lòng tin vào sản phẩm được gắn nhãn. Mỗi nước có mức độ phát triển khác nhau, đặc điểm khác nhau nên có những đòi hỏi khác nhau. Ở nước quy định ngặt nghèo, khó khăn thì việc lấy chứng chỉ khó nhưng mức độ tín nhiệm cao. Kinh nghiệm cho thấy đầu tiên phải xây dựng lòng tin của người sử dụng để họ thấy được đây là sản phẩm tốt, có chất lượng tốt vì đã được qua các thử nghiệm ngặt nghèo nhất về kỹ thuật và những tác động tới sức khỏe con người. Tuy nhiên cũng cần có sự cân bằng giữa mức độ ngặt nghèo của tiêu chuẩn với đòi hỏi của thị trường. Nếu đặt cao thì không ai đạt được, nếu đặt thấp thì không có độ tin tưởng về giá trị do vậy 2-5 năm 1 lần phải rà soát lại tiêu chuẩn. Lúc đầu có thể đặt dễ cho nhiều người tham gia, sau một thời gian nâng cao tiêu chuẩn, các công ty thấy được lợi ích của chương trình sẽ thay đổi công nghệ để tham gia.
Về việc xây dựng tiêu chí cấp nhãn:trong những năm 1988-1991, dưới sự điều hành của Bộ Môi trường Canada, chương trình chỉ xây đựng dược 1 tiêu chí- đây là giai đoạn học hỏi, học cách xây dựng tiêu chí, tổng hợp các yếu tố để đưa ra tiêu chí. Năm 1995- khi Chính phủ giao điều hành chương trình cho Terra Choice thì trong vòng 3 năm 1995-1998 đã xây dựng được 32 tiêu chí. Trong những năm tiếp theo xây dựng lần lượt 22, 14, 17, 6, 2…. Thời gian đầu, Terra Choice tập trung vào xây dựng tiêu chí với suy nghĩ cần phải có nhiều tiêu chí nếu như không có nhiều tiêu chí thì không có người đăng ký nên không thành công. Khi có nhiều tiêu chí cho nhiều sản phẩm sẽ có nhiều nhà cung cấp, nhà sản xuất đến đăng ký các sản phẩm khác nhau. Trong thời kỳ này, Terra choice không biết các doanh nghiệp có đăng ký tiêu chí không và các tiêu chí có thành công hay không- đây chính là sai lầm cần tránh trong việc xây dựng tiêu chí. Kinh nghiệm cho thấy để xây dựng tiêu chí thành công thì nên chọn lập loại danh mục hàng hóa, dịch vụ có nhiều nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ, không nên lựa chọn danh mục hàng hóa, dịch vụ chỉ có 1-2 nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ. Do vậy, nên chọn dòng sản phẩm có từ 4-5 doanh nghiệp mong muốn tham gia để xây dựng tiêu chí nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Khi đưa các tiêu chí kỹ thuật riêng biệt, thường mắc sai lầm khi đưa ra quá nhiều chỉ số, có khi hàng trăm trang, làm nhiều chi phí, tốn kém thời gian đưa văn bản dài dòng… Những chuyên gia khác nhau trong và ngoài cơ quan cũng có những ý kiến khác nhau. Điều quan trọng là tìm được điểm bắt đầu: điểm đơn giản nhất- 3-4 chi tiết nhỏ, sau 2-3 năm đánh giá lại tiêu chí và đưa thêm 1-2 tiêu chí nhỏ nữa và các năm sau sẽ cộng thêm các tiêu chí nhỏ. Khi các hãng lấy tiêu chí dễ thì các hãng cũng mong muốn tham gia, Chính phủ và người tiêu dùng cũng muốn các sản phẩm có gắn nhãn này. Khi sửa lại tiêu chí: mở rộng các tiêu chí và đưa thêm các tiêu chí nhỏ. Nếu lúc đầu đưa nhiều tiêu chí khắt khe sẽ không thu hút được doanh nghiệp tham gia, do vậy, chương trình khó có thể thành công được.
Về việc lựa chọn nhóm sản phẩm để xây dựng tiêu chí: thay vì bỏ tiền công sức thời gian xây dựng tiêu chí cho 1 sản phẩm mới thì nên tập trung vào những tiêu chí đã phổ biến ở các nước, có mức độ thông dụng trong sử dụng ở các nước. Khi xây dựng tiêu chí đã phổ biến ở các nước thì có thể tiết kiệm được thời gian và công sức cho việc xây dựng các chỉ tiêu kỹ thuật mới bằng cách tham khảo các tiêu chí đã có ở các nước và vận dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nước mình.
Để có thể tham khảo, học hỏi kinh nghiệm các nước trong xây dựng tiêu chí và phát triển chương trình nhãn sinh thái nên sớm gia nhập Mạng lưới Nhãn sinh thái Toàn cầu GEN vì GEN có mục tiêu chính là hợp tác, chia sẻ thông tin. Khi trở thành thành viên của GEN thì việc xây dựng tiêu chí rất đơn giản vì thành viên của GEN có thể ký các thỏa thuận nguyên tắc về hợp tác giữa các thành viên của GEN trong xây dựng và thực hiện chương trình. Khi gia nhập GEN, các nước thành viên có thể tự xây dựng tiêu chí hoặc cùng phối hợp với thành viên khác để xây dựng tiêu chí mới trên cơ sở biên bản hợp tác giữa các bên.
2. Những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Nghiên cứu việc xây dựng và vận hành chương trình gắn nhãn sinh thái của Canada có thể đưa lại những kinh nghiệm phát triển cho chương trình gắn nhãn sinh thái tại Việt Nam.
Kinh nghiệm trong phát triển chương trình:
Cần sử dụng nhãn sinh thái như một công cụ marketing cho các nhóm sản phẩm. Muốn vậy, trước tiên phải xây dựng được chính sách công/ mua sắm xanh cho nhóm sản phẩm/ dịch vụ thân thiện với môi trường.
Sử dụng công cụ marketing theo cách thức đơn giản, ngắn gọn và linh hoạt nhưng tuân thủ quy trình ISO 14024 về nhãn sinh thái.
Tranh thủ sự hỗ trợ của các chương trình đi trước đã được triển khai trên toàn thế giới thông qua việc gia nhập vào Mạng lưới Nhãn sinh thái Toàn cầu GEN. Với việc gia nhập vào GEN, Việt Nam có điều kiện hợp tác với các thành viên khác trong việc xây dựng tiêu chí, công nhận lẫn nhau giữa các tiêu chí của các nước thành viên để tạo điều kiện thúc đẩy chương trình tại Việt Nam.
Tư liệu hóa toàn bộ hoạt động của chương trình để thấy được sự biến đổi cũng như phục vụ cho hoạt động kiểm toán sau này khi gia nhập vào Mạng lưới Nhãn sinh thái Toàn cầu.
Quan điểm xuyên suốt của toàn bộ hoạt động là làm sao cho doanh nghiệp thấy được lợi ích khi tham gia chương trình bởi lẽ doanh nghiệp chỉ có thể tham gia khi họ thấy được lợi ích trong đó. Vì vậy, một chương trình quảng bá và truyền thông đối với doanh nghiệp, người tiêu dùng trên nền một chính sách mua sắm xanh là cần thiết được xây dựng và tổ chức thực hiện.
Kinh nghiệm trong xây dựng tiêu chí:
Lựa chọn nhóm sản phẩm có nhiều nhà cung cấp để tạo sự cạnh tranh trong việc xin cấp nhãn sinh thái cho nhóm sản phẩm hoặc chọn nhà cung cấp có thị phần lớn để có thể tạo ảnh hưởng đối với các nhà sản xuất/ cung ứng khác.
Bước đầu xây dựng tiêu chí đơn giản, gọn để thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, sau thời gian khi đã đi vào hoạt động ổn định thì có thể nâng dần tiêu chí với mức độ phức tạp và khắt khe hơn.
Khi xác định nhóm sản phẩm cần xây dựng tiêu chí nên tham khảo các nhóm sản phẩm đã được xây dựng ở các nước thành viên của GEN và lựa chọn những nhóm sản phẩm đã được nhiều nước xây dựng để tranh thủ kinh nghiệm xây dựng tiêu chí của các nước đó. Điều này sẽ dễ làm hơn và dễ thành công hơn với các tiêu chí đã khẳng định được sự thành công của các nước thành viên của GEN.
3. Khuyến nghị phát triển chương trình Nhãn Xanh Việt Nam
Trên cơ sở học tập kinh nghiệm của Canada và nghiên cứu về điều kiện, hiện trạng của Việt Nam, để chương trình Nhãn Xanh Việt Nam có thể phát triển và có ảnh hưởng tới sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, cần thực hiện những giải pháp sau:
1. Cần có những nghiên cứu xây dựng và vận hành chính sách mua sắm của Chính phủ hướng tới những sản phẩm thân thiện môi trường nhằm tạo điều kiện kích cầu tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tạo thị trường cho các sản phẩm/ dịch vụ được gắn Nhãn sinh thái tại Việt Nam.
2. Cần có những xúc tiến gia nhập Mạng lưới Nhãn sinh thái Toàn cầu nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật của các nước thành viên đồng thời, quảng bá và tạo vị thế cho Nhãn Xanh Việt Nam trong thị trường nhãn sinh thái của thế giới.
3. Cần xây dựng và bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhóm chuyên gia xây dựng tiêu chí nhãn sinh thái tại Việt Nam. Đơn giản hóa quy trình vận hành xây dựng và ban hành tiêu chí, quy trình cấp nhãn cho sản phẩm/ dịch vụ thân thiện với môi trường.
4. Hình thành và phát triển đội ngũ marketing cho nhãn sinh thái tại Việt Nam nhằm quảng bá, thu hút sự tham gia của các nhà sản xuất, phân phối hướng tới việc cung ứng các sản phẩm/ dịch vụ thân thiện với môi trường.
5. Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông, quảng bá về nhãn sinh thái tới người tiêu dùng; khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường- những sản phẩm được gắn nhãn sinh thái nhằm tạo điều kiện kích cầu sản xuất/ cung ứng những sản phẩm thân thiện với môi trường.