❄
Sau khi nghe Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam báo cáo về tình hình Dự án thuỷ điện Pắc-Beng kế hoạch tham vấn trước của Việt Nam; ý kiến phát biểu của đại diện Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Ngoại giao và của Lãnh đạo các đơn vị; ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã kết luận chỉ đạo như sau:
Pắc-Beng là thủy điện đầu tiên từ thượng nguồn của bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Mê Công ở hạ lưu vực, nằm trong lãnh thổ của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Việc tham vấn trước của Việt Nam đối với Dự án thuỷ điện Pắc-Beng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nội dung tham vấn không những có liên quan đến Việt Nam mà còn liên quan đến các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công. Vì vậy, quá trình tổ chức thực hiện tham vấn cần có sự tham gia ngay từ đầu của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.... Báo cáo tham vấn đối với Dự án thuỷ điện Pắc-Beng phải bảo đảm về chất lượng, dự báo đầy đủ các mặt tác động của Dự án.
Bộ trưởng yêu cầu Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch tham vấn trước của Việt Nam đối với Dự án thuỷ điện Pắc- Beng; dự thảo Tờ trình của Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ có đánh giá tổng thể, Kế hoạch tham vấn và điều kiện để thực hiện, kèm theo dự thảo công văn của Ban cán sự đảng Chính phủ gửi Bộ Chính trị xin ý kiến. Kế hoạch phải bao gồm các hoạt động cụ thể và cần lưu ý các nội dung sau: Mở rộng mục tiêu của Kế hoạch để tham vấn, tuyên truyền cho nhiều đối tượng khác nhau cả ở Việt Nam và các nước thuộc lưu vực sông Mê Công; phạm vi đánh giá tác động phải tổng thể đối với tất cả các lĩnh vực và không chỉ đánh giá tác động của công trình thủy điện Pắc-Beng mà còn bao gồm cả tác động của các công trình thủy điện khác trên dòng chính sông Mê Công theo các kịch bản khác nhau; đề xuất thành lập Nhóm chuyên gia cho Tham vấn, bao gồm các chuyên gia đầu ngành là đại diện của các cơ quan trong và ngoài Bộ, chuyên sâu về các lĩnh vực liên quan, trong đó có cả các chuyên gia ở khu vực phía Nam, am hiểu về khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Trên cơ sở đó cần phân công cụ thể nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động và sản phẩm cuối cùng của từng Nhóm; xây dựng hoạt động truyền thông cụ thể tới các đối tượng khác nhau với sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị: các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các cơ quan thuộc Chính phủ như Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam...
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ định Nhóm thường trực giúp việc cho Bộ trưởng trong quá trình triển khai Kế hoạch tham vấn, gồm: Chánh văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện Kế hoạch tham vấn, thường xuyên báo cáo Bộ trưởng trong quá trình thực hiện.
Nguồn tin: bao.baotainguyenmoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn