Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khảo sát tuyến đê biển tại Trà Vinh, Sóc Trăng
Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, những năm gần đây, triều cường, sóng lớn thường xuyên gây nhiều thiệt hại cho người dân các tỉnh duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long. Trước thực trạng đó, ngày 2/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu Đoàn công tác Trung ương đã đi dọc tuyến đê biển thuộc hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng để khảo sát thực tế và chỉ đạo khắc phục.
Đến hiện trường kiểm tra sức bền chắn sóng của các tuyến đê kè tại các xã Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa thuộc huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; xã An Thạnh Nam, An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu lãnh đạo địa phương báo cáo tình hình biến đổi khí hậu và tác động của thiên tai. Đây là những tuyến đê kè biển xung yếu nhiều năm qua được đầu tư xây kiên cố, kết hợp với trồng rừng phòng hộ, giữ vai trò che chắn bảo vệ cuộc sống người dân vùng trong đê. Tuy nhiên, những mùa mưa bão gần đây, triều cường cùng sóng lớn đã làm sạt lở hư hại ở nhiều đoạn trên toàn tuyến đê với chiều dài hàng nghìn mét, làm gãy đổ cây trồng rừng phòng hộ, gây thiệt hại cho nhà cửa, ruộng vườn của bà con sinh sống gần biển. Đặc biệt tại xã Hiệp Thạnh, Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, 20 năm qua, biển đã lấn sâu vào đất liền 2,5 km làm mất 6000 ha đất ven biển. Tại huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng, tuyến đê biển có chiều dài trên 22km với 7 cống ngăn mặn và 7 cây cầu giao thông nông thôn, được khởi công xây dựng cuối năm 2000, hiện có nhiều chỗ bị sạt lở nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm, tuyến đê ở Cù Lao Dung có khoảng 60 đoạn bờ bao, đê bao bị gãy vỡ, gây thiệt hại không nhỏ. Trước nguy cơ sóng biển dâng đe dọa cuộc sống bà con, các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng đã đầu tư hàng chục tỉ để nâng cấp đê kè chắn sóng, gia cố bờ bao nhưng hiệu quả phòng chống vẫn chưa cao. Nạn xâm thực, sạt lở vẫn hàng ngày uy hiếp người dân ven biển. Trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các Bộ ngành và lãnh đạo địa phương tại khu vực khảo sát tuyến đê kè biển xung yếu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối phó với biến đổi khí hậu và cho rằng thực tế hiện nay diễn biến nhanh hơn nhiều so với dự báo. Điều đó đòi hỏi toàn hệ thống chính trị và người dân phải có giải pháp đối phó kịp thời. Việc chậm chễ trong triển khai của một số dự án sẽ tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của bà con ven biển. Chủ tịch nước khẳng định, xây dựng dự án đê biển có ý nghĩa quan trọng không chỉ ngăn xâm nhập mặn, triều cường, bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân mà còn giúp hình thành giao thông phục vụ công tác cứu hộ ven biển và phòng thủ an ninh quốc phòng, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội nông thôn ven biển. Chủ tịch nước đề nghị cần phải rà soát quy hoạch, có sự lựa chọn công trình trọng điểm, xung yếu để thu hút nhiều nguồn lực đầu tư, tránh dàn trải để mang lại hiệu quả cao nhất. Cùng với khảo sát đê biển, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành thời gian thăm hỏi một số gia đình chính sách và hộ nghèo của 2 tỉnh, tìm hiểu về đời sống của bà con ven biển. Đến thăm bà con ấp An Quới, xã An Thạnh 3, hộ nuôi tôm ở An Thạnh Nhì tỉnh Sóc Trăng và hợp tác xã nuôi nghêu Phương Đông ở xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, Chủ tịch nước ghi nhận nỗ lực của bà con, đã biết phát huy thế mạnh truyền thống của vùng sông nước duyên hải. Nhờ đổi mới phương thức xuất, mô hình hợp tác xã đã góp phần nâng năng suất và sản lượng, phát huy được tính tích cực, chủ động của các thành viên. Tuy nhiên, do thị trường giá cả bấp bênh, việc tiếp cận vốn vay còn hạn chế, dẫn đến hoạt động nuôi trồng của bà con chưa hết khó khăn; cần được sự giúp đỡ của Nhà nước. Cũng trong chuyến thăm Trà Vinh và Sóc Trăng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn công tác đã kiểm tra tiến độ triển khai dự án Trung tâm Điện lực Duyên Hải; dự án nạo vét luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Chủ tịch nước đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 634. Vui mừng đến thăm Đồn đúng vào dịp kỷ niệm 55 ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng và 25 năm ngày Biên phòng toàn dân, Chủ tịch nước đã biểu dương những kết quả lực lượng biên phòng nói chung và cán bộ, chiến sĩ đồn 634 nói riêng đã đạt được thời gian qua. Chủ tịch hoan nghênh đơn vị đã xác định kết hợp nhiệm vụ bảo vệ an toàn vùng biển, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng ven biển. Cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng thường xuyên xác định điểm xung yếu trên tuyến bờ biển, tổ chức kiểm tra an toàn hệ thống đê biển, đê bao, chủ động xây dựng kế hoạch, đưa lực lượng xuống địa bàn giúp dân bồi đắp an toàn để đảm bảo sản xuất trong mùa mưa lũ. Chủ tịch nhấn mạnh cán bộ, chiến sỹ Bộ đội biên phòng và nhân dân biên giới cần chủ động nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức, khắc phục khó khăn gian khổ, phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc, của quân đội, truyền thống Anh hùng của lực lượng Bộ đội biên phòng, xây dựng Bộ đội biên phòng không ngừng lớn mạnh, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ,” xây dựng thế trận lòng dân vững chắc góp phần bảo vệ an ninh chính trị và trật tự xã hội trên tuyến biên giới biển nói riêng và cả nước nói chung.