❄
“Xưa làm gì có xe, mấy mươi năm về trước cuốc bộ hàng cây số lên đây mở đường, đường vào bãi rác trước kia thôi thì khỏi phải nói. Nào cây dại, cỏ hoang um tùm, tứ phía hoang sơ chỉ cần một đợt gió mạnh là những âm thanh cô hồn phát ra kinh dị” - anh Tốt kể. Đã gần 25 “mùa lá rụng” đi qua rồi, cứ sáng sớm cơm đùm khăn gói, hành trang được người vợ chuẩn bị đầy đủ cho ngày mới nơi bãi rác này. “Nghĩ cũng buồn, tối đến là giây phút đoàn tụ cha mẹ, vợ con… Người ta là vậy, còn mình gần nửa đời người đi qua, hiếm có lần được cơm nước ở nhà đúng bận” - anh Tốt buông lời.
Đổi lại sự mất mát vì tính chất của công việc, anh Tốt mở lòng: “Vui và ấm áp biết bao, không hổ thẹn với đời, với người, chiều cuối tuần có thể xa nhà, có thể xa người thân nhưng mình lại giúp hàng nghìn người dân sống quanh bãi rác không phải hứng chịu những mùi hôi. Lượng rác cuối tuần thường nhiều hơn những ngày thường, nếu không xử lý kịp thời để tồn đọng sẽ bốc mùi”. Dù rằng, cuộc sống luôn thay đổi, nhưng với nửa đời “bám rác”, anh Tốt đã góp một phần máu xương cho thành phố vì môi trường trong tương lai gần này.
Những "cán bộ" (tạm gọi là vậy) chuyên xử lý rác như anh Tốt luôn coi công việc là lẽ sống. Còn với những phận người nhặt rác ở đây thì sao. Khó có thể kể hết được nỗi vất vả, gian nan của họ, chí ít tôi gom nhặt vài ba câu chuyện, dăm bảy mảnh đời nơi triền "núi rác" mà thôi. Tiếp chuyện tôi, chị Huỳnh Thị Sở (tổ 5, Khánh Sơn) kể: Tầm ba bốn giờ sáng, cả nhà đang còn ngon giấc, chị đã phải thức giấc, xuống nhà dưới lui cui chuẩn bị đồ nghề, lần mở cửa qua xóm kêu mấy chị em lên đường. Băng qua núi Phước Tường, họ đến bãi rác Khánh Sơn lúc trời vừa hửng sáng, chuẩn bị vào “ca”, bắt đầu cho một ngày nhọc nhằn “bám” rác.
Anh Nguyễn Đức Tốt, Tổ trưởng tổ San ủi và dẫn xe (Xí nghiệp Quản lý bãi và Xử lý chất thải Đà Nẵng - đơn vị trực tiếp quản lý bãi rác Khánh Sơn) với gần 25 năm “hành nghề” trên mảnh đất này nhọc nhằn kể chuyện… “bám” rác
Nghỉ vài phút, phân công ca kíp xong, họ xốc tay vào trang bị “đồng phục”. Nói cho oai, chứ những thứ đồ gọi là “bảo hộ lao động” của họ chỉ là chiếc nón, cái khẩu trang, ủng và đôi găng tay thủng chỗ này, vá chỗ kia. Ở đây, trừ những người làm việc theo ca, dùng dụng cụ tự chế như móc, cào... để đào, móc rác giữa đống rác lớn mỗi lần xe đổ xuống, còn rất nhiều người như chị Sở phải dùng tay bới rác. Tất nhiên, “năng suất” không cao nhưng đủ để chị kiếm mỗi ngày khoảng 150 ngàn đồng.Giữa những đống rác mỗi ngày một cao như núi, đôi bàn tay của những người phụ nữ nhặt nhạnh tất cả các thứ rác và phân loại thành từng thứ khác nhau như túi ny-lông, kim loại và giấy vào từng bao riêng. Đến trưa, khi cảm thấy hơi thở nặng hơn, mùi hôi thối càng nồng nặc, đặc quánh lại và đôi chân ngâm lâu trong rác chừng như mủn ra, họ kéo những bao tải đã đầy ứ rác xuống chân “núi” và vào nghỉ ngơi trong những túp lều được căng bằng những mảnh bao tải rách mọc lên giữa bãi rác...
Để đạt đến mức “quen rồi” như thế, gần mấy trăm con người, cả “chuyên” lẫn “không chuyên” nhặt rác ở bãi rác Khánh Sơn này cũng đều bước qua những ngày đầu trong cảm giác ghê sợ và tâm lý “thôi thì làm vài bữa rồi nghỉ, có sao đâu”. Cái vài bữa ấy rồi kéo dài vài năm, có người đến hơn 20 năm sống với “nghiệp” rác, kể từ ngày khai thiên lập địa của bãi rác này. Những mảnh “đời rác” cứ thế, đi sớm về khuya, đội mưa đội nắng, vẫn những cái móc, cái cào bằng sắt, vài đôi bao tay thủng cùng với những ngón tay ngày càng bợt bạt, lỗ chỗ thâm đen vì “nước ăn”. Cũng ngày ngày cúi mặt, ráng mở to con mắt dưới những cái nắng, cái rét, mồ hôi nhỏ đắng con ngươi hoặc mưa đổ xòa xuống đầu... để nhận ra đâu là đồ có thể tái chế lẫn giữa những thức ăn thừa, hôi thiu.
Những mảnh “đời rác” cứ thế, đi sớm về khuya, đội mưa đội nắng, vẫn những cái móc, cái cào bằng sắt, vài đôi bao tay thủng...
Con đường Hoàng Văn Thái ở đất Đà thành nối dài, lối vào duy nhất mới sáng sớm đã trở nên chật chội bởi từng đoàn xe rác nối đuôi. Nhìn những mảnh “đời rác” đang cố bám trụ nơi mảnh đất này, thấy lòng siết lại. Càng day dứt hơn khi biết rằng hiện bãi rác Khánh Sơn đang có mấy trăm con người, đa phần là người dân Đà Sơn, Khánh Sơn, một phần ở Thanh Khê, Hòa Vang, còn một số ở tận Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam đang rất vất vả trong cuộc mưu sinh. Những người dân lao động này đang ngày ngày phải đối mặt với điều kiện sống hết sức khó khăn, phải làm việc lam lũ quanh năm và trong một môi trường hết sức độc hại để tìm kế sinh nhai.
Anh Nguyễn Đăng Huy - Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý bãi và Xử lý chất thải nói với tôi khi dẫn tôi lên bãi rằng: Chúng tôi xử lý quyết liệt, bây giờ đỡ mùi nhiều rồi đấy. Giờ nghỉ trưa, dân nhặt rác vẫn vô tư xì xụp bún, mỳ Quảng, cà phê ngay tại nơi này. Xung quanh, rác ngập tận đầu, nhìn đâu cũng thấy từng núi rác vời vợi. Hơn trăm người mưu sinh ở bãi rác Khánh Sơn, cuộc đời họ gắn liền với rác. "Lương thưởng anh em xí nghiệp chúng tôi thì do cơ quan quy định, chẳng mong gì thêm, chỉ mong thành phố có việc làm cho người nhặt rác tự do ở đây" - anh Huy nhẹ lời.
Khó có thể kể hết được nỗi vất vả, gian nan của họ, chí ít tôi gom nhặt vài ba câu chuyện, dăm bảy mảnh đời nơi triền "núi rác" mà thôi
Tôi chợt nhớ lại lần gặp mới đây với ông Đặng Đức Vũ - Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng (đơn vị quản chung Xí nghiệp này) nói với tôi: "Mình không thể cấm họ, nhưng nói gì thì nói, bãi rác vẫn là nơi nguy hiểm cao cho nhiều mầm bệnh. Tôi mong, chẳng còn ai nhặt rác".Khánh Sơn những ngày này tiết lạnh hao hao, nhưng đâu đây hơi thở nắng vàng vẫn như vẫy gọi. Những ánh mắt, nụ cười vẫn hiện trên khuôn mặt những “mảnh đời rác” lam lũ mưu sinh…
Nguồn tin: www.baotainguyenmoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn