❄
Kế hoạch thanh tra phải đồng bộ, xuyên suốt
Sau một ngày đầu của đợt tập huấn, Hội nghị đã được nghe 94 ý kiến của các đại biểu là lãnh đạo Sở TN&MT và lãnh đạo, cán bộ làm công tác thanh tra của các tỉnh thành phố góp ý, kiến nghị với lãnh đạo Bộ TN&MT và lãnh đạo Thanh tra Bộ về các vấn đề liên quan đến công tác thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo. Phát biểu kết luận ngày đầu tiên của Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà một lần nữa nhấn mạnh đến việc toàn ngành TN&MT cả nước cần nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác thanh tra. “Mỗi cán bộ thanh tra phải là một người lính trên mặt trận quản lý của ngành TN&MT, đồng thời phải là người làm dân vận tốt, công tác thanh tra phải có lý có tình thì mới đem lại hiệu quả cao…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. Hội nghị sẽ kéo dài đến hết ngày 10/3, dự kiến Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển và Chánh Thanh tra Bộ TN&MT Lê Quốc Trung sẽ chủ trì hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng cho biết, trong những năm qua, ngành TN&MT nói chung và công tác thanh tra của ngành nói riêng đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Bên cạnh kết quả đã đạt được, theo Bộ trưởng những khó khăn thách thức đặt ra cũng không ít đòi hỏi toàn ngành cần có sự đổi mới cơ bản từ tư duy đến hành động.
Bộ trưởng phân tích, thời gian vừa qua, những lĩnh vực mà ngành TN&MT quản lý trong thực tế có nhiều vấn đề nóng mà người dân và dư luận rất quan tâm như vấn đề môi trường bị ô nhiễm, suy thoái, các vấn đề về khai thác trái phép tài nguyên… Bên cạnh đó, có những nơi, trên thực tế còn có tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp vẫn còn… “Đây là vấn đề đòi hỏi ngành TN&MT có tư duy, có những đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành của mình” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Thẳng thắn nhìn nhận vào những hạn chế, tồn tại cần khắc phục của công tác này, Bộ trưởng phân tích: Ngay từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, còn tình trạng chưa xác định đúng đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm tra chưa sát thực tiễn… Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng yêu cầu, khi lập kế hoạch thanh tra kiểm tra, cần xác định được đối tượng, mục tiêu và yêu cầu vì tối tượng cần phải thanh tra của ngành TN&MT rất lớn. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng yêu cầu kế hoạch thanh tra của cả nước phải đồng bộ, phối hợp xuyên suốt.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra hết sức quan trọng và đó là chế tài duy nhất của nhà nước để góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trên thực tế, nhiều vụ việc phức tạp đều xuất phát sự phát hiện của báo chí và nhân dân. “Và khi dự luận bức xúc và nóng bỏng rồi thì thanh tra mới vào cuộc. Đó là điều cần theo dõi và khắc phục…” - Bộ trưởng trăn trở.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ông Lê Đức Vinh phát biểu chào mừng Hội nghị
Theo Bộ trưởng, công việc thanh tra là giám sát để đưa pháp luật vào cuộc sống, để kiểm tra xem năng lực tổ chức thực hiện pháp luật có đúng không đồng thời hỗ trợ cho danh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng những quy định của pháp luật. “Kết luận của mỗi đợt thanh tra phải cho doanh nghiệp thấy họ cần phải khắc phục sai phạm và thi hành pháp luật như thế nào; Thanh tra chính là việc tập trung giải quyết những đòi hỏi, bức xúc, những vấn đề đặt ra của đời sóng nhân dân. Và sau khi thanh tra rồi, chúng ta phải trả lời được câu hỏi cuộc sống đã trở lại bình yên hay chưa? Dư luận đã thỏa đáng với những kết luận thanh tra của chúng ta hay chưa?...” - Bộ trưởng đặt vấn đề.
Chánh Thanh tra Bộ TN&MT Lê Quốc Trung trình bày kế hoạch năm 2017 tại Hội nghị
Đề cập đến vấn đề khó khăn trong lực lượng làm công tác thanh tra, Bộ trưởng đồng cảm về việc đội ngũ thanh tra chưa bao giờ có đủ về số lượng cán bộ cũng như trang thiết bị để có thể thực thi được nhiệm vụ. Bộ TN&MT, Sở TN&MT, Phòng TN&MT sẽ không bao giờ thực hiện được tốt công tác thanh tra nếu như chúng ta không có sự phối hợp. Vì vậy để thực hiện tốt nhiệm vụ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Thanh tra Bộ TN&MT và lực lượng Thanh tra của Sở TN&MT các tỉnh, thành phố thực hiện tốt công tác phối kết hợpvới các ngành, các lĩnh vực đồng thời phối hợp giữa trung ương và địa phương.
Vai trò để tạo ra một cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan Trung ương, vai trò phối hợp với các cơ quan địa phương và phải phát huy đầy đủ các cơ chế trách nhiệm, phân công rõ ràng đối với các cơ quan đó. Bộ trưởng nhấn mạnh: Khi kết thúc một năm thanh tra, chúng tôi muốn thấy là Thanh tra Bộ TN&MT nhận được đầy đủ các báo cáo, các kết luận, các kết quả từ thanh tra Sở TN&MT các tỉnh, thành phố để từ đó chúng ta có một bức tranh thống nhất về nhiệm vụ và kết quả của công tác thanh tra một năm vừa rồi và đề ra nhiệm vụ cho năm tới một cách sát với thực tế hay chưa…”
Đề cập đến vấn đề hiện đại hóa thanh tra ngành TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng đây là một yêu cầu hết sức quan trọng. Trong đó việc thanh tra ngành TN&MT chưa có, chưa xây dựng được một cơ sở dữ liệu thông tin để sử dụng chung cho toàn ngành ccũng làm giảm đi cơ chế phối hợp trong các lĩnh vực của chúng ta. “Ở đây tôi cho rằng việc cần phải hiện đại hóa ngành qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua việc trao đổi và chúng ta luôn luôn có một cơ sở dữ liệu, luôn luôn có một cơ chế để trao đổi thông tin đó là điểm yếu mà tôi thấy chúng ta cần phải khắc phục trong thời gian sắp tới…” - Bộ trưởng nói.
Các đại biểu tham luận hơn 94 ý kiến trong ngày 9/3.
Về nhiệm vụ năm 2017 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng cho biết ngành TN&MT nói chung và đội ngũ thanh tra nói riêng phải hết sức quyết liệt đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng một chính phủ liêm chính, gần dân.
Nhấn mạnh công tác thanh tra hết sức quyết liệt, hết sức khó khăn Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cán bộ thanh tra phải hành động mang tính quyết liệt và kịp thời hơn. Bộ trưởng yêu cầu lực lượng thanh tra ngành TN&MT tập trung vào nội dung, đối tượng cần thanh tra. Tránh việc thanh tra dàn trải mà cần phải tập trung vào những gì cuộc sống đang đòi hỏi, phải tập trung vào cái gì đang là vướng mắc, đang là cản trở đối với các doanh nghiệp… “Tôi đề nghị các đồng chí coi đó là nhiệm vụ trọng tâm để lực lượng thanh tra từ cấp bộ cho đến cấp sở, và phòng TN&MT cấp huyện cần phải tập trung vào vấn đề đó…” – Bộ trưởng nói.
Nhận định tình hình khiếu nại tố cáo thời gian tới vẫn còn rất phức tạp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị lực lượng thanh tra ngành TN&MT một mặt xác định rõ hơn vai trò của các cơ quan quản lý ở Trung ương, Thanh tra của Bộ để cùng với các địa phương chúng ta thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, để khắc phục khiếu nại tố cáo này được giải quyết ngay từ ban đầu, ngay từ địa phương. Làm sao để tình trạng bức xúc không bị để lâu hoặc không giải quyết khiến các sự việc này bị đẩy lên cấp trên, lên cấp Trung ương…
Năm 2016, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành tài nguyên và môi trường đã bước đầu có sự đổi mới. Toàn ngành đã triển khai 2.017 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 7.975 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra đã phát hiện và xử lý 2.896 tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường, xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền lên đến hơn 93 tỷ đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước trên 15 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 5.948 ha đất, 37 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đặc biệt, đã đổi mới, có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan ở Trung ương và địa phương trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên đề diện rộng việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước tại các dự án có hoạt động xả thải trên phạm vi cả nước. |
Bộ trưởng cũng đề nghị lực lượng thanh tra ngành TN&MT căn cứ vào kế hoạch thanh tra năm 2017 mà sẽ tiếp tục được hoàn thiện để từ đó có cơ chế phối hợp nhuần nhuyễn hơn, phát huy sức mạnh của cả ngành tài nguyên môi trường, phát huy sức mạnh của cả Trung ương và địa phương để hoàn thành tốt các công việc này. Bộ trưởng đề nghị thanh tra Bộ TN&MT và Giám đốc các Sở TN&MT thường xuyên rà soát, bổ sung kế hoạch thanh tra sao cho sát với thức tiễn đặt ra.
Đề cao vai trò của công tác thanh tra, Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc các Sở TN&MT lãnh đạo của các phòng TN&MT cần phải nhận thức và coi công tác thanh tra, kiểm tra là nhiệm vụ ưu tiên số 1 của ngành TN&MT. Làm sao để công tác này cũng là nhiệm vụ, là chế tài mạnh mẽ nhất của toàn ngành.
“Tôi kêu gọi các cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra phát huy kiến thức, hiểu biết và trách nhiệm của mình, trách nhiệm để góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính và kiến tạo, một Chính phủ lấy pháp luật làm gốc. Mỗi cán bộ thanh tra ngành TN&MT cần có bản lĩnh, liêm chính, khách quan và công tâm. Chắc chắn là các đồng chí sẽ có vũ khí hết sức quan trọng để hoàn thành công việc của mình…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017
Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Quốc Trung đã nêu kế hoạch thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu tại tố cáo của ngành TN&MT trong năm 2017. Trong đó, theo Kế hoạch thanh tra năm 2017 mà Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ký ban trong Quyết định số 2704/QĐ-BTNMT. Quyết định nêu rõ: trong năm 2017 sẽ thanh tra trách nhiệm tại 07 tỉnh gồm: Bắc Giang, Lào Cai, Phú Thọ, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, An Giang. Cụ thể:
Lĩnh vực đất đai: Thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai của các cấp, trọng tâm là các thủ tục thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký lần đầu và đăng ký biến động đất đai, cấp Giấy chứng nhận đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện thủ tục từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 đến thời điểm thanh tra. Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp.
Lĩnh vực môi trường: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (dệt nhuộm, hóa chất, luyện kim, giấy, bột giấy, tinh bột sắn, cao su, mía đường, xi mạ, thuộc da, nhiệt điện...); các cơ sở có nguồn thải lớn từ 200 m3/ngày đêm trở lên (trừ các đối tượng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra trong năm 2016).
Quang cảnh Hội nghị trong ngày làm việc 09/3.
Lĩnh vực địa chất khoáng sản: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản trong công tác quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Tăng cường kiểm tra công tác lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, kiểm tra việc thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng, lạch tại các địa phương trên cả nước, nhất là ở các huyện giáp ranh khiến môi trường ô nhiễm, sạt lở nghiêm trọng bờ sông, gây bức xúc trong dư luận.
Lĩnh vực tài nguyên nước: Thanh tra công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước và hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng, xả thải vào nguồn nước của một số tổ chức, cá nhân. Thanh tra việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông và một số hồ chứa thủy điện, thủy lợi (không thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ ban hành).
Và đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm và thanh tra trách nhiệm việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường của UBND các cấp...
Nguồn tin: www.baotainguyenmoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn