Tại buổi tiếp xúc, đối thoại, rất nhiều người dân thôn Sơn Trà và Tân Hy có ý kiến đề nghị ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương giải quyết, xem xét chấm dứt tình trạng ô nhiễm của nhà máy xi măng Đại Việt – Dung Quất để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Bà Bùi Thị Đào, ngụ thôn Sơn Trà, chia sẻ từ khi nhà máy xi măng Đại Việt – Dung Quất đi vào hoạt động (năm 2012) đến nay đã khiến cuộc sống hàng trăm hộ dân bị đảo lộn, con cháu thường xuyên mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp.
“Nhà tôi cách nhà máy hơn 100 m nên nhiều năm nay phải hứng chịu bụi và tiếng ồn suốt cả ngày lẫn đêm, khiến con cháu bị đau ốm thường xuyên. Gia đình nào có con cháu nhỏ không ở được, phải chuyển đi nơi khác. Chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh, huyện xem xét nếu tiếp tục để nhà máy hoạt động cần phải di dời khẩn trương các hộ dân xung quanh hoặc phải di dời nhà máy để người dân ở lại”, bà Đào nói.
Thay mặt tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã gửi lời xin lỗi đến người dân.
Trước ý kiến người dân, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã thay mặt tỉnh Quảng Ngãi gửi lời xin lỗi đến người dân thôn Sơn Trà và Tân Hy vì chưa xử lý dứt khoát vấn đề tồn tại liên quan đến Nhà máy xi măng Đại Việt – Dung Quất trong thời gian qua.Vụ việc nhà máy xi măng là vấn đề phức tạp, kéo dài trong thời gian qua. Do đó, tỉnh cần phải tìm ra phương án vừa đảm bảo quyền lợi người dân, vừa đảm bảo lợi ích nhà đầu tư. Chúng tôi cũng đang tính phương án di dời toàn bộ 427 hộ dân ở cả hai thôn nhưng nếu như thế thì phải tốn hàng ngàn tỉ đồng. Đây là điều quá sức với ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi hiện tại. Phương án tiếp theo sẽ xem xét di dời nhà máy xi măng nếu nhà máy không đảm bảo được công tác bảo vệ môi trường”, ông Căng nói.
Cũng theo ông Căng, thời gian tới, tỉnh sẽ mời một đơn vị độc lập tiến hành quan trắc môi trường xung quanh nhà máy để kiểm tra thêm một lần nữa xem nhà máy có đảm bảo quy chuẩn cho phép về khí thải, chất thải… hay không. Quá trình thực hiện quan trắc này sẽ có sự giám sát chặt chẽ của các bên liên quan. Trên cơ sở kết quả quan trắc, nếu nhà máy không đảm bảo sẽ di dời nhà máy, ngược lại nếu kết quả đảm bảo với sự đồng tình của người dân thì nhà máy được phép hoạt động.
Trước đó, người dân thôn Sơn Trà và Tân Hy, xã Bình Đông liên tục dựng lều trước cổng nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất để phản đối vì cho rằng nhà máy đã gây ô nhiễm.
Trước đề xuất của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi, đại diện nhiều hộ dân thôn Sơn Trà và Tân Hy vẫn nhất quyết không đồng ý. Họ cho rằng cuối năm 2016, các ngành chức năng cũng đã mời một đơn vị về tiến hành quan trắc môi trường xung quanh nhà máy và kết quả đạt tiêu chuẩn nhưng thực tế người dân vẫn bị ô nhiễm nặng bởi tiếng ồn, bụi bặm…
Nhà máy xi măng Đại Việt – Dung Quất đi vào hoạt động từ năm 2012. Ngay sau khi đi vào hoạt động, nhà máy đã liên tục bị người dân địa phương dựng lều phản đối vì cho rằng quá trình hoạt động nhà máy đã gây ô nhiễm nặng. Vụ việc đã kéo dài trong nhiều năm qua khiến nhà máy nhiều lần ngưng hoạt động.
Nguồn tin: Theo Người Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn