Hiện chất lượng nước trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình đang có dấu hiệu suy kiệt và bị ô nhiễm nặng nề do ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Nhiều chỉ tiêu quan trắc vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2 – 4,5 lần. Việc khai thác nước ngầm tùy tiện làm mực nước tĩnh hạ thấp từ 10 – 15 m, cùng với đó là tình trạng xâm nhập mặn kéo dài cũng khiến người dân điêu đứng.
Hồi chuông báo động
Là tỉnh có mạng lưới sông ngòi dày đặc với nhiều hệ thống sông lớn như: Sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Bôi,… phân bố tương đối đều với tổng chiều dài lên đến 811,2 km. Trong đó, lớn nhất là sông Đáy, nguồn cung cấp nước quan trọng cho dân sinh và phát triển kinh tế của tỉnh. Thế nhưng, chất lượng nước sông Đáy đoạn chảy qua tỉnh Ninh Bình đã bị suy giảm rõ rệt trong nhiều năm qua. Nước sông có biểu hiện suy giảm lượng oxy hòa tan (DO), tăng lượng nhu cầu oxy sinh hóa (BOD) và nhu cầu oxy hóa học (COD),… Hầu hết các điểm quan trắc đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Tại các điểm đông dân cư và nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh như cầu Gián Khẩu, cầu Non Nước, Âu Xanh… hàm lượng BOD cao gấp 2,5 – 4,5 lần tiêu chuẩn cho phép.
Sông Yên, sông Vân cũng bị ô nhiễm bởi thông số BOD5 vượt mức cho phép từ 1,5 – 2,03 lần. Sông Hoàng Long được xem là “sạch” nhất hàm lượng BOD5 cũng đã vượt ngưỡng cho phép theo QCVN 08:2008/BTNMT. Do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên toàn bộ lượng nước thải trong đô thị không được xử lý triệt để mà chủ yếu là thải ra các hồ trong nội thành như hồ Biển Bạch, hồ Lâm Nghiệp,… nên gia tăng mức độ ô nhiễm.
Không những thế, chất lượng nước biển ven bờ và hệ sinh thái ven bờ đang bị suy giảm và mất cân bằng do quai đê lấn biển, nuôi trồng thủy sản tự phát làm giảm diện tích rừng phòng hộ, phá vỡ mặt bằng tự nhiên... Trình độ và nhận thức về bảo vệ môi trường của các chủ đầm còn hạn chế đã dẫn đến tình trạng môi trường nước bị ô nhiễm như nồng độ các chất lơ lửng, NH3, NO2, H2S đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Đồng thời, cả 2 cửa Đáy và cửa Càn đều bị đe dọa ô nhiễm do nuôi trồng thủy sản, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật mà chưa kiểm soát được.
Cùng với đó, chất lượng nước ngầm khu vực đô thị thành phố Ninh Bình cũng khiến nhiều người giật mình là không đảm bảo tiêu chuẩn nước sinh hoạt vì có chiều hướng ô nhiễm sắt, có màu vàng, tanh, coliform vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,12 – 3 lần. Nguyên nhân chính là do nước thải công nghiệp của các cơ sở sản xuất kinh doanh, nước thải sinh hoạt chưa được xử lý triệt để ngấm xuống đất làm nhiễm bẩn tầng nước. Trong khi đó, trữ lượng nước ngầm tại các huyện Yên Khánh, Kim Sơn bị giảm sút đáng kể, việc khai thác tùy tiện đã khiến mặt nước tĩnh hạ từ 10 – 15 m.
Đâu là giải pháp?
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Bùi Ngọc Dũng – Trưởng Phòng Quản lý Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn Sở Tài nguyên & Môi trường Ninh Bình cho biết: Tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khoan nước dưới đất và xả thải vào nguồn nước không theo quy hoạch, không có giấy phép, xả thải không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn vào nguồn nước vẫn còn diễn ra phổ biến đã và đang làm suy thoái, cạn kiệt ô nhiễm nguồn nước gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý của các cấp, các ngành còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ, thậm chí có nơi còn biểu hiện buông lỏng quản lý. Ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân vẫn còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm.
Để công tác quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, theo ông Dũng cần phải tăng cường, duy trì việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tài nguyên nước rộng rãi tới các tổ chức, cá nhân. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường của các huyện, thị xã, thành phố, thị trấn để nâng cao năng lực về công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước. Hoàn thiện mạng lưới quan trắc cố định tài nguyên nước mặt và nước dưới đất toàn tỉnh. Điều tra đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, kiểm kê các nguồn thải và đánh giá hiện trạng xả thải vào nguồn nước. Rà soát, trám lấp các giếng khai thác nước ngầm hiện không còn sử dụng. Đồng thời, lập quy hoạch phân bổ, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất và quy hoạch phòng chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Có như vậy chất lượng nước mới dần được cải thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.