Quy hoạch sử dụng đất TP. Nha Trang: Hình thành trung tâm kinh tế ở Nam Trung Bộ
Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của TP. Nha Trang, cơ cấu đất được xác định lại theo hướng giảm đất nông nghiệp, tăng đất phi nông nghiệp và khai thác triệt để đất chưa sử dụng nhằm phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, nhằm định hướng Nha Trang trở thành trung tâm kinh tế ở Nam Trung Bộ.
Khai thác những vùng đất mới Theo Sở TN&MT Khánh Hòa, hiện nay, diện tích đất chưa sử dụng tại TP. Nha Trang còn chiếm tỷ lệ lớn (chiếm 43% tổng diện tích), song chủ yếu là đất đồi núi, địa hình dốc, chia cắt... Phần diện tích này sẽ được thành phố khai thác triệt để vào sản xuất nông nghiệp, trồng mới và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, chuyển mục đích sử dụng đất như: chuyển các vùng đất canh tác nương rẫy trên núi cao, đất dốc sang trồng rừng, trồng cây lâu năm, chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang trồng cây lâu năm để bảo vệ đất chống xói mòn... Giải pháp này vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho người dân thiếu đất sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, khi thu hồi đất nông nghiệp thực hiện các dự án, cần có phương án giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho nông dân hoặc cho người dân góp vốn bằng đất đai và tham gia làm việc sau khi được đào tạo nghề; tạo điều kiện để nông dân dễ dàng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất nông nghiệp. Để tăng hiệu quả sử dụng đất, thành phố xác định đầu tư tập trung, không dàn trải khi thực hiện các dự án, công trình. Đồng thời, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị lớn như: các tuyến đường giao thông quan trọng để làm điểm tựa phát triển; xây dựng khu đô thị Tây Nha Trang, dự án chỉnh trị sông Tắc, sông Quán Trường và bờ kè sông Cái, nâng cấp Quốc lộ 1A qua thành phố... Đặc biệt, huy động tối đa các nguồn lực, vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án. TP. Nha Trang cần thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm... Mở rộng đô thị TP. Nha Trang được định hướng mở rộng về phía Tây để tạo nên trung tâm kinh tế lớn của khu vực Nam Trung bộ. Đến năm 2020, diện tích tự nhiên của thành phố là 25.385ha, tăng 125ha so với thời điểm nghiên cứu quy hoạch - năm 2010 (do lấn biển tại Khu du lịch Văn Đăng - Vĩnh Lương, dự án Hoàn Cầu - Phước Đồng và diện tích tự nhiên phường Vĩnh Phước được xác định lại). Theo đó, đất dành cho nông nghiệp là 6.294ha, giảm 1.753ha. Một phần lớn đất nông nghiệp được thu hồi để phát triển khu đô thị mới, khu sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Do khu vực phía Tây thành phố sẽ thành đô thị hiện đại, quy mô lớn nên hầu hết diện tích đất lúa, đất trồng cây hàng năm và đất nuôi trồng thủy sản ở các xã: Vĩnh Thái, Vĩnh Hiệp, Phước Đồng, Vĩnh Trung... sẽ chuyển sang đất đô thị. Đến năm 2020, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung ở các xã: Vĩnh Phương, Vĩnh Lương, Phước Đồng, Vĩnh Ngọc. Trong cơ cấu đất đang sử dụng hiện nay của TP. Nha Trang, đất phi nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, bằng 25% diện tích tự nhiên. Điều đó cho thấy, mức độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho lĩnh vực này còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị loại 1. Do đó, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 sẽ mở rộng diện tích đất phi nông nghiệp lên 10.120ha (tăng 3.827ha, trong đó có 2.949ha được chuyển từ đất nông nghiệp). Đất ở đô thị tăng thêm 1.682ha (lên 3.051ha) để bố trí tái định cư cho các hộ bị giải tỏa, thu hồi đất khi thực hiện các dự án xây dựng công trình công cộng, phát triển các khu nhà vườn biệt thự, khu nhà ở cao cấp phục vụ du lịch và giải quyết nhu cầu sống ngày càng cao. Nhằm đáp ứng mục tiêu đưa Nha Trang thành đô thị du lịch lớn của đất nước, phương án quy hoạch đã tạo quỹ đất phát triển ngành du lịch, dịch vụ, giao thông, cảng biển, sản xuất thương mại... Trong đó, sẽ có các công trình hội chợ - triển lãm, trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp, trung tâm văn hóa thể thao, khu vui chơi giải trí, bến bãi đỗ xe ở các khu vực trọng điểm, tuyến đường vành đai... Đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp cũng tăng thêm do hình thành nhiều khu đô thị mới, khu trung tâm hành chính mới các cấp. Quy hoạch còn dành quỹ đất để xây dựng, bảo vệ, tôn tạo phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố...