Biến đổi khí hậu đe dọa cả hành tinh

Biến đổi khí hậu sẽ đe dọa hàng trăm triệu người và gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đô la – báo cáo biến đổi khí hậu 2014 của Liên Hiệp Quốc cảnh báo.
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trên toàn cầu và khoảng cách giữa những cảnh báo của giới khoa học về hệ quả của biến đổi khí hậu với hành động cụ thể của các chính phủ đang ngày càng lớn. Đó là nội dung một báo cáo mang tên “Biến đổi khí hậu 2014: Những ảnh hưởng, sự thích nghi và sự dễ tổn thương” của Liên Hiệp Quốc công bố sáng nay (31/3) tại Nhật Bản.

IPCC cho rằng khoảng cách giữa những gì giới khoa học muốn và hành động của các chính phủ vẫn còn rất lớn. “Khoa học rất rõ ràng và cuộc tranh luận đã kết thúc”, Sandeep Chamling Rai - đứng đầu Quỹ bảo vệ thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) nói.
 
“Trong vài thập kỷ trở lại đây, những thay đổi của khí hậu đã gây ra những ảnh hưởng lên mọi châu lục và khắp các đại dương” - theo báo cáo có ý nghĩa bước ngoặt công bố tại Yokohama (Nhật Bản) của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC). Đây được đánh giá là bản báo cáo toàn diện nhất về biến đổi khí hậu từ trước tới nay.

Cũng theo báo cáo, những ảnh hưởng tai hại của hiện tượng thời tiết cực đoan và các thiên tai cũng cho thấy khả năng thích ứng của loài người với biến đổi khí hậu là thấp. Nếu biến đổi khí hậu không được kiểm soát, loài người sẽ phải đối mặt với các thảm họa nước biển dâng hủy hoại nhiều vùng ven biển; nạn đói lan rộng do tình trạng trái đất ấm lên, hạn hán và lũ lụt, các thành phố lớn bị phá hủy vì ngập lụt... Các hiện tượng thời tiết cực đoan và các cơn bão sẽ phá hủy những hạ tầng mà trước giờ con người vẫn cho là nghiễm nhiên sẵn có như điện, nước…

“Chúng ta sống trong một thời đại biến đổi khí hậu do con người tạo ra”, Vicente Barros - đồng chủ tịch nhóm chuẩn bị bản báo cáo nói. Theo ông: “Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta không được chuẩn bị cho những rủi ro biến đổi khí hậu mà chúng ta sẽ phải đối mặt”.

Châu Á lao đao 

Lũ lụt, đói kém, nước biển dâng sẽ đe dọa hàng trăm triệu người tại châu Á - báo cáo biến đổi khí hậu2014 của Liên Hiệp Quốc từng cảnh báo.

Bản thảo báo cáo đăng trên Guardian một lần nữa nói những nước phát triển ở vùng thấp, đặc biệt là khu vực ven bờ biển châu Á, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Theo các nhà khoa học, hàng trăm triệu người ở các vùng sẽ bị mất nhà cửa, mất đất do nước biển dâng. “Phần lớn sẽ xảy ra ở phía đông, đông nam và nam của châu Á. Một số đảo quốc nhỏ sẽ đối mặt với tác động rất lớn” - báo cáo viết. 

Các thành phố cũng đối mặt với nhiều thách thức như tình trạng nóng lên, lũ lụt trong đô thị, khô hạn, thiếu nước. Nguy cơ này sẽ tăng cao nếu thành phố thiếu các hạ tầng cần thiết. Tình trạng khói bụi do cháy rừng gây ra bởi khô hạn ở các thành phố Đông Nam Á cũng nghiêm trọng trong tương lai.

Thế giới sẽ thiệt hại hàng nghìn tỷ đô la

Các chuyên gia dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã nêu lên những rủi ro hàng đầu đe dọa thế giới năm 2014. Người ta nhẩm tính, hàng năm suy thoái - như một biểu hiện tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, làm nền kinh tế thế giới tổn thất 1,5 phần trăm GDP hay 1,2 ngàn tỷ đô la. Đến năm 2030, con số này có thể tăng gấp đôi. Đối với các nước nghèo nhất thế giới, con số thiệt hại thậm chí chiếm tới 11 phần trăm GDP.

Ở các nước Trung Á, nhiệt độ trung bình tăng 1,5 độ C đe dọa năng suất vụ mùa thấp và gây thiệt hại cho nông nghiệp. Lợi nhuận của ngành có thể giảm gần một nửa, làm lung lay nền kinh tế khu vực vốn đã yếu. 

Các nhà bảo vệ môi trường chỉ ra dải rộng các nước lọt vào vùng rủi ro trải từ Bồ Đào Nha đến Trung Quốc, ngoài ra còn có những lãnh thổ khá rộng ở Châu Phi, Mỹ Latinh. Không nên quên rằng biến đổi khí hậu không chỉ dẫn đến hạn hán, mà cả các thiên tai khác như mưa lớn, lũ lụt, bão, lốc xoáy, bệnh dịch. 

Giới nghiên cứu khí hậu học kêu gọi chính quyền các nước trên thế giới bắt đầu ngay từ bây giờ chuẩn bị cho đời sống trong các điều kiện môi trường mới. 

Cần chú ý hơn đến sự phát triển cơ sở hạ tầng khu vực ven biển: xây dựng đập, kè bảo vệ các vùng bờ trước lũ lụt và xói lở. Những biện pháp như vậy sẽ không chỉ góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, mà còn mang lại lợi ích bổ sung cho nền kinh tế.

Mạnh Cường 

(MOITRUONG.COM.VN)

Tác giả bài viết: -

Nguồn tin: Theo VACNE