Bắc Kạn: Quản lý khoan nước dưới đất còn lỏng lẻo

Thời gian qua, việc người dân khoan giếng lấy nước ngầm đã diễn ra thường xuyên. Cá nhân, tổ chức hành nghề khoan giếng thì tràn lan không được quản lý đúng quy định của pháp luật. Tình trạng này khiến nguồn nước ngầm có nguy cơ cạn kiệt, ô nhiễm.
Tình trạng khoan giếng để lấy nước sinh hoạt hay tưới tiêu diễn ra ở hầu khắp các địa bàn. Do đó, khoan giếng trở thành một nghề ăn nên làm ra với không ít lao động. Ngay tại thị xã Bắc Kạn, nơi có nhà máy cung cấp nước sinh hoạt lớn, vẫn không ít hộ dân sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để khoan giếng lấy nước sinh hoạt. Đa phần các hộ dân này cho rằng, nước giếng khoan sạch hơn nước máy trong khi dùng lâu dài thì tiết kiệm được rất nhiều tiền.
Tuy nhiên, theo bà Võ Thị Nghĩa - Trưởng Phòng Khoáng sản- Nước- Khí tượng Thủy văn (Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn), nước giếng khoan chưa chắc đã sạch hơn nước máy, không thể đánh giá nước sạch hay không chỉ qua quan sát bằng mắt thường. Hơn nữa, những người hành nghề khoan giếng không phải cứ khoan đâu là có nước đó, những lỗ khoan không thấy nước không được lấp đi chính là đường dẫn chất thải làm ô nhiễm nguồn nước dưới đất. Hành nghề khoan giếng thì phải có giấy phép nhưng hiện tại toàn tỉnh chỉ có 01 cá nhân tại Chợ Đồn được cấp phép lĩnh vực này.
Theo Luật Tài nguyên nước, người dân muốn khoan giếng phải xin phép và được sự đồng ý của UBND xã; tổ chức, cá nhân hành nghề phải được cấp giấy phép của Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng trên thực tế, hầu hết mạnh ai nấy làm, hoạt động tự do mà chưa thấy có cơ quan nào đứng ra quản lý. Trong đợt kiểm tra trước đây của Sở Tài nguyên và Môi trường, tại địa bàn thị xã Bắc Kạn có tới 17 cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất nhưng chẳng ai làm thủ tục xin cấp phép và được cấp phép; không đăng ký kinh doanh và vì thế cũng chẳng làm nghĩa vụ ngân sách với nhà nước. Còn tại Chợ Đồn có 3 cá nhân đã hành nghề nhưng cũng không có phép. Địa bàn huyện Chợ Mới có 6 cá nhân hành nghề cũng không đăng ký kinh doanh, không giấy phép.
Hầu hết các cá nhân hành nghề đều theo “kinh nghiệm” được truyền lại hoặc “khoan mò” theo kiểu khoan mãi kiểu gì cũng tới, khoan càng sâu thì tiền công càng nhiều. Điều đáng nói là những cá nhân này hầu như không nắm được bất cứ quy định nào của pháp luật về việc hành nghề khoan nước dưới đất. Các địa phương cũng đều nắm được danh sách cá nhân hành nghề nhưng rõ ràng việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quản lý hành nghề tới các đối tượng này đã bị “bỏ quên” trong một thời gian dài. Nước ngầm là nguồn tài nguyên quốc gia, khai thác, sử dụng mà không có sự quản lý sẽ không chỉ làm cạn kiệt mà còn thông tầng, sụt lún, gây ô nhiễm và nhiều hậu quả khác chưa lường hết.
Theo Quyết định số 17/2006/QĐ-BTNMT và Thông tư số 36/2011/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất là người đứng đầu tổ chức hoặc người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật phải có bằng cấp nhất định. Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ, người đứng đầu phải có trình độ chuyên môn tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất, địa chất thủy văn, khoan và có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề; hoặc công nhân khoan có tay nghề bậc 3/7 trở lên và có ít nhất 4 năm kinh nghiệm; đã trực tiếp tham gia thiết kế, lập báo cáo hoặc thi công khoan ít nhất 5 công trình thăm dò, khai thác nước dưới đất…
Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn cũng chỉ mới kiểm tra được tại thị xã Bắc Kạn, Chợ Đồn và Chợ Mới nhưng chắc chắn tình trạng buông lỏng quản lý hành nghề khoan giếng cũng đã xảy ra tại các địa phương còn lại. Sở đã yêu cầu các địa bàn phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước, hành nghề khoan giếng; sớm hướng dẫn cấp phép cho các cá nhân hành nghề đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Sở sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra tại các địa phương còn lại trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: -

Nguồn tin: Theo MONRE