Đồng Tháp: Hạn chế sản xuất gạch nung gây ô nhiễm môi trường

Tỉnh Đồng Tháp từng bước hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và thay thế bằng việc sử dụng vật liệu xây không nung, nhằm tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, giảm thiểu khí thải từ lò nung gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài nhà máy sản xuất gạch bê tông bọt của công ty HIDICO với công suất 40.000m 3/năm (tương ứng 20 triệu viên gạch nung/năm) hiện có, tỉnh tiếp tục đầu tư hơn 26 tỷ đồng xây thêm 1 nhà máy sản xuất gạch bê tông bọt có công suất 40.000m 3/năm; đầu tư 4 dây chuyền 10 triệu viên/năm để sản xuất gạch xi măng cốt liệu, đến năm 2015 là 40 triệu viên (8x8x19)/năm. 

Để tổng sản lượng gạch không nung đến năm 2015 gồm, gạch bê tông bọt và gạch xi măng cốt liệu là 80 triệu viên (8x8x19)/năm, đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây không nung trên toàn tỉnh, Đồng Tháp kiên quyết không cấp phép đầu tư mới các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung thủ công. Tỉnh tiếp tục phổ biến các chủ trương của Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tuyên truyền những lợi ích lâu dài về bảo vệ môi trường, bảo vệ diện tích đất nông nghiệp khi hạn chếsản xuất và sử dụng gạch đất sét nung; khuyến khích thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và đầu tư xây dựng nhà máy về sản xuất vật liệu xây không nung. 

Theo thống kê của ngành xây dựng tỉnh Đồng Tháp, đến năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 168 cơ sở sản xuất với khoảng 499 lò gạch đất sét nung; trong đó, hầu hết các lò gạch đều sử dụng trấu để đốt lò và đất sét được khai thác chủ yếu từ đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sản lượngsản xuất khoảng 290 triệu viên trong 1 năm (chủ yếu là gạch ống, gạch thẻ). Hiện chỉ có 9 lò gạch hoffman và một số lò gạch cải tiến có xây dựng hệ thống xử lý khí thải, còn lại hầu hết các lò gạch thủ công không có hệ thống xử lý khí thải trước khi thải vào môi trường, do đó gây ô nhiễm môi trường cao. Các kết quả về ô nhiễm môi trường không khí xung quanh qua thu mẫu quan trắc môi trường định kỳ tại các cụm lò gạch huyện Châu Thành và thành phố Sa Đéc, hầu hết các khu vực sản xuất gạch đều bị ô nhiễm về bụi và HF. 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hầu hết các cơ sở sản xuất gạch nung thủ công trên địa bàn tỉnh đều không đạt yêu cầu; các chỉ tiêu ô nhiễm môi trường chủ yếu là bụi, CO, HF. 

Đồng Tháp đặt ra mục tiêu chấm dứt hoạt động các lò sản xuất gạch đất sét nung thủ công khoảng 10% số lượng lò vào năm 2015, 40 - 50% số lượng loại lò này vào năm 2018 và chấm dứt hoạt động hoàn toàn các lò thủ công vào năm 2020.

Tác giả bài viết: -

Nguồn tin: Theo TTXVN