KCN Sông Công I - Thái Nguyên: Dân bức xúc vì ô nhiễm

Hạ tầng kỹ thuật thiếu và yếu đang là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm môi trường tại KCN Sông Công I - Thái Nguyên, khiến người dân địa phương bức xúc.
Tính đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên có tới 6 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Tuy nhiên, đến nay tất cả các KCN này trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều chưa hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật. Ngay cả đối với KCN Sông Công I, dù là KCN đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên nhưng cũng mới chỉ GPMB và xây dựng kết cấu hạ tầng được 80 ha trên tổng diện tích 220 ha.

Đặc biệt, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, dù đã thu hút được khá nhiều doanh nghiệp vào sản xuất từ nhiều năm nay, nhưng tới bây giờ KCN Sông Công I cũng mới chỉ đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý nước thải nhưng và nhà máy này chưa được hoàn thiện. Do vậy, nước thải từ KCN xả ra môi trường vẫn còn hàm lượng kim loại cao.

Một trong những “điển hình” gây ô nhiễm môi trường tại KCN Sông Công là Nhà máy kẽm điện phân thuộc Cty TNHH một thành viên kim loại màu Thái Nguyên. Với đặc trưng sản phẩm kẽm điện phân, nhà máy này đã xả ra môi trường những loại hóa chất kịch độc như cadimi (Cd) vượt 2.615 lần so với quy chuẩn quốc gia, H2S trong không khí vượt từ 31,4 lần đến 61,6 lần so với giới hạn cho phép và SO2 trong không khí vượt từ 1,1 đến 7,1 lần so với quy chuẩn VN…

Cùng với khí và thải chất lỏng nguy hại từ Nhà máy kẽm điện phân, các doanh nghiệp khai thác cũng xả thải gây ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân phường Bách Quang, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Theo phản ánh của nhân dân, từ năm 2007 đến nay, các nhà máy trong KCN Sông Công I đã thải nước ra đồng khiến cho đồng ruộng phải bỏ hoang hoặc bị sụt giảm năng suất, sản lượng. Đặc biệt, các loại chất thải, khí thải đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người, vật nuôi, làm đảo lộn đời sống của nhân dân.

Bốn vấn đề cơ bản được người dân kiến nghị là đền bù sản lượng; nạo vét kênh mương do thi công mặt bằng xây dựng các nhà máy bồi lấp, sạt lở đất đá xuống mương; xây dựng tuyến kênh mới bị lấp ở khu vực nhà máy titan; đền bù thiệt hại do việc lấp mương không có nước tưới, nhưng các cấp quản lý từ UBND thị xã Sông Công, đến BQL các KCN, Công ty phát triển hạ tầng KCN và các doanh nghiệp thường đổ lỗi cho nhau, khiến người dân vô cùng bức xúc.

 

Bà Dương Thị Thư, Trưởng xóm Dọc Dài, phường Bách Quang cho biết: Sau nhiều lần lập biên bản nhưng những nguyện vọng của dân vẫn không được các cơ quan chức năng giải quyết triệt để. Liên tục từ giữa tháng 2/2014 đến nay, nước thải của KCN Sông Công không được bơm trung chuyển để xử lý mà tràn ra đường và đổ xuống kênh dẫn nước của cánh đồng Dọc Dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân. Biên bản còn chưa ráo mực, cơ quan chịu trách nhiệm cũng chưa khắc phục hậu quả thì nay dầu mỡ lại tràn về khiến bức xúc của người dân như giọt nước tràn ly. Hàng chục hộ dân tại phường Bách Quang, thị xã Sông Công đã rào cổng ra vào, bủa vây cơ quan BQL các KCN tỉnh Thái Nguyên.

Sự việc “vây” trụ sở BQL các KCN Thái Nguyên chỉ dịu đi khi những người có trách nhiệm như ông Đặng Mộng Điệp, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Công và ông Phạm Mạnh Cường - Giám đốc Công ty TNHH phát triển hạ tầng KCN - nhận lỗi với các hộ dân khi chậm thực hiện cam kết về đền bù thiệt hại và xây dựng kênh mương.

Theo cơ quan chức năng, các doanh nghiệp trực tiếp gây thiệt hại cho cánh đồng Dọc Dài những ngày qua là: Công ty TNHH phát triển hạ tầng KCN, Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên, Nhà máy gạch ốp lát Việt Ý và Công ty cổ phần Minh Trâm.

Tại biên bản làm việc ngày 24/3/2014, Công ty TNHH phát triển hạ tầng KCN cam kết sẽ thực hiện ngay việc bồi thường sản lượng thiệt hại cho bà con nhân dân trong tuần này; cũng trong tuần, UBND thị xã Sông Công sẽ chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra để tiếp tục xác định mức độ thiệt hại, lập phương án bồi thường cho nhân dân đối với sự cố tràn nước mặt KCN trong thời gian qua; đồng thời khẳng định sẽ khởi công xây dựng tuyến kênh dẫn nước mới cho xóm Dọc Dài trong tháng 4/2014.

Theo giới chuyên môn, các giải pháp nói trên của chính quyền và cơ quan chức năng cũng chỉ là giải pháp tạm thời để khắc phục hậu quả trước mắt. Về lâu dài thì BQL các KCN, trực tiếp là Công ty phát triển hạ tầng KCN phải tính đến việc xử lý chất thải, nước thải trước khi cho ra môi trường

Tác giả bài viết: -

Nguồn tin: (Theo monre)