Tìm cơ chế chia sẻ lợi ích từ rừng

Việc thành lập Vườn quốc gia (VQG) Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ là tất yếu để bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng lại đặt ra cho cộng đồng dân cư nơi đây những thách thức mới. Giải quyết hài hòa giữa những nhóm lợi ích khác nhau, một bên là quyền lợi chính đáng của người dân địa phương và một bên là tính cấp thiết của công tác bảo tồn tại VQG đang là thách thức lớn cho địa phương này.
Vùng đệm sinh thái là khu vực trung gian giữa Vườn quốc gia và vùng nông nghiệp phụ cận. Đây vừa là nơi bảo vệ, giữ gìn rừng, vừa là nơi khai thác hợp lý tài nguyên rừng. Các xã vùng đệm VQG Xuân Sơn là nơi tập trung phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, người dân tộc Mường, Dao và Kinh là đông nhất. Họ phần lớn là người có trình độ học vấn thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp, nhiều hộ chỉ đạt dưới 400.000 đồng/tháng. Do vậy, tỷ lệ những hộ gia đình thuộc diện đói, nghèo vẫn cao. Chính điều này gây sức ép không nhỏ đến nguồn tài nguyên rừng trong khu bảo tồn. Bởi lẽ, để mưu sinh, họ phải dựa vào rừng.
Mặc dù trên thực tế, nông nghiệp là ngành kinh tế chính đối với nhân dân vùng đệm VQG Xuân Sơn, nhưng với trình độ khai thác lạc hậu, năng suất thấp, sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng đru để đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm cho địa phương thì các nguồn thu nhập từ rừng chính là cứu cánh cho toàn bộ người dân sống trong vùng, đặc biệt là những năm đói kém, mất mùa. Bà Triệu Thị Lâm, dân tộc Dao, xã Xuân Sơn cho biết: “Tôi nhớ, những năm 90-91 là năm đói nhất vì lúa bị mất mùa. Khoai, sắn trồng cũng không được thu hoạch. Vì thế, chúng tôi phải vào rừng đào củ nâu để ăn. Mọi người ai cũng đi kiếm nên dần dần cũng ít đi. Rau rừng thì rau gì ăn được là hái hết. Thậm chí đu đủ ăn hết rau rồi còn đào cả củ cây đu đủ về để ăn cho đỡ đói. Nếu không có rừng, khi đó chắc cả xã chết đói mất”.
Người dân sống ở vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Sơn thường vào rừng để lấy củi về làm chất đốt, lấy gỗ, trẻ, luồng nứa, lá cọ về làm nhà và đan lát các dụng cụ sinh hoạt. Nấm, mộc nhĩ, măng… là thực phẩm thiết yếu từ rừng. Đặc biệt, người dân ở nơi đây có thói quen chữa bệnh bằng thuốc nam. Họ vào rừng khai thác thảo dược để chữa những bệnh thông thường cho đến những bệnh nặng như rắn cắn, gẫy tay chân, thận… Những thói quen sinh hoạt gắn liền với những vật phẩm từ rừng đã cho thấy, trong tâm thức của mỗi người dân, rừng vẫn thuộc quyền sở hữu chung của cộng đồng. Họ khai thác rừng để phục vụ sinh hoạt thường ngày, không vì mục đích thương mại.
Thế nhưng, từ khi VQG được thành lập, công tác bảo tồn được đẩy mạnh thì những tài nguyên vốn dĩ đang thuộc về cộng đồng thì lại bị cấm khai thác. Phần lớn người dân địa phương đều có trình độ sản xuất hạn chế, chưa sẵn sàng chuyển đổi phương thức truyền thống nên họ gặp nhiều khó khăn trong việc từ bỏ khai thác các nguồn lợi từ rừng. Điều đó đồng nghĩa với việc sức ép tác động đến rừng không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, nhất là khi sức ép này được tạo ra bởi nhu cầu thiết yếu trước cuộc sống quá khó khăn của những người sống nơi vùng đệm.
Như vậy, một bất cập có thể thấy rõ là công tác bảo tồn mới chỉ chú trọng đến khía cạnh bảo tồn mà chưa thực sự quan tâm đến đời sống của người dân trong KBT. Công tác bảo tồn cắt đứt mọi nguồn thu của người dân từ rừng trong khi chưa đưa ra những giải pháp sinh kế thay thế. Đây là vấn đề nan giải không chỉ ở VGQ Xuân Sơn mà còn là vấn đề chung của tất cả các VQG và KBT hiện nay.
Do đó, để công tác bảo tồn có hiệu quả, trước hết, cần phải xây dựng một cơ chế chia sẻ lợi ích hợp lý trước khi tìm được giải pháp thay thế nguồn sản phẩm từ rừng vốn rất quan trọng với cộng đồng dân cư. Nhà nước cần giúp người dân nâng cao mức sống, phát triển sinh kế bền vững, sử dụng hiệu quả tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, đầu tư cho bảo tồn và phát triển. Có như vậy, vùng đệm VQG Xuân Sơn mới thực sự trở thành vành đai bảo vệ cho VQG Xuân Sơn – bảo vệ và phát triển nguồn vốn tự nhiên, góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: -

Nguồn tin: (Theo monre)