Cơ sở khoa học lồng ghép đánh giá rủi ro Biến đổi khí hậu vào quá trình Đánh giá tác động môi trường
TÓM TẮT BÁO CÁO: CƠ SỞ KHOA HỌC LỒNG GHÉP ĐÁNH GIÁ RỦI RO BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀO QUÁ TRÌNH ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG
Lê Trình, Viện Khoa học Môi trường và Phát triển
Báo cáo 1.1 “Cơ sở khoa học lồng ghép đánh giá rủi ro biến đổi khí hậu vào quá trình đánh giá tác động môi trường” của Deliverable 1 của Dự án “Private Investment for Enhanced Resilience (PIER)” gồm 5 chương với 104 trang được biên soạn dựa theo nhiều tài liệu quốc tế, trong nước mới nhất và kiến thức của tác giả đã đề cập đến các vấn đề cốt lõi của biến đổi khí hậu (BĐKH): nguyên nhân, rủi ro do tác động BĐKH trên toàn cầu và ở nước ta, sự cần thiết và nội dung của lồng ghép đánh giá rủi ro BĐKH vào quá trình đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đề xuất quy trình, phương pháp lồng ghép đánh giá rủi ro BĐKH vào quá trình ĐTM ở Việt Nam và đề xuất danh mục các loại hình dự án cần thực hiện đánh giá rủi ro BĐKH trong ĐTM. Tóm tắt một số chương mục quan trọng được nêu dưới đây. Phần Mở đầu nêu rõ sự cần thiết của tích hợp đánh giá rủi ro do BĐKH vào quá trình ĐTM. Theo Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC, 2007): “…Biến đổi khí hậu là một trong các thách thức chính đối với sự bền vững của hệ sinh thái toàn cầu và sự thịnh vượng của xã hội trong thế kỷ XXI. Các tác động của thay đổi khí hậu theo quy luật thông thường kết hợp với biến đổi khí hậu chủ yếu là tiêu cực và thường làm suy thoái các hệ sinh thái, giảm đa dạng sinh học; gia tăng ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước và đất”; gia tăng tính cực đoan của mưa, nắng, ngập úng, khô hạn; gia tăng mực nước biển….”. Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy: Việt Nam là một trong các quốc gia đang và sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của BĐKH: xâm nhập mặn, ngập úng, mất đất, mất đa dạng sinh học, suy giảm tài nguyên nước, đất và chất lượng môi trường, ảnh hướng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Các rủi ro do tác động của BĐKH toàn cầu ảnh hưởng xấu đến KT-XH cả nước nói chung vàđến các dự án đầu tư phát triển nói riêng. Ngược lại việc triển khai các dự án cũng góp phần tác động đến khí hậu toàn cầu qua phát thải khí nhà kính (KNK) và các hoạt động khác. Vì vậy lồng ghép đánh giá rủi ro BĐKH vào đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với dự án là rất cần thiết. Việc lồng ghép này không những không vi phạm các quy định pháp lý về ĐTM mà còn tăng hiệu quả của ĐTM. Tuy nhiên, trong thực tế ở nước ta: tác động và rủi ro do BĐKH thường được nêu trong các Chiến lược, chính sách, chương trình ứng phó với BĐKH cấp quốc gia, cấp địa phương hoặc cấp ngành, và yêu cầu trong ĐMC, chứ chưa được quy định rõ ràng trong quy trình ĐTM. Do vậy, nghiên cứu cơ sở khoa học và quy trình lồng ghép đánh giá rủi ro BĐKH vào quá trình ĐTM là cần thiết. Chương Một nêu khái quát thế nào là BĐKH, nguyên nhân và tác động của rủi ro do BĐKH là gì. Ngoài các nguyên nhân do tự nhiên, BĐKH chủ yếu do hiệu ứng nhà kính gây trái đất nóng lên, được tạo ra do phát thải các khí nhà kính từ hoạt động của con người. Đánh giá của IPCC cho thấy, việc tiêu thụ năng lượng do đốt nhiên liệu hóa thạch trong các ngành sản xuất năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng v.v... đóng góp khoảng một nửa (46%) vào sự nóng lên toàn cầu, phá rừng nhiệt đới đóng góp khoảng 18%, sản xuất nông nghiệp khoảng 9%, các ngành sản xuất hóa chất khoảng 24%, còn lại (3%) là các hoạt động khác (chôn rác thải v.v...). Trong khi đó có tài liệu nêu tỷ lệ phần trăm phát thải KNK của các hoạt động của loài người trên toàn cầu là: 25% do sử dụng điện và nhiệt, 20,4% từ nông nghiệp và đất đai; 17,9 % từ công nghiệp, 14% từ giao thông… Hiện nay, Việt Nam là nước có tổng lượng phát thải thấp trên toàn cầu, cụ thể là năm 2013 chỉ phát thải khoảng 259 triệu tấn KNK chỉ chiếm 0, 72 % toàn cầu. Tuy nhiên phát thải KNK của nước ta tăng nhanh hơn so với nhiều quốc gia khác. Các ngành phát thải KNK lớn nhất là công nghiệp, giao thông, năng lượng và nông nghiệp. Theo khuyến cáo của IPCC, khi mực nước biển dâng lên 100 cm, diện tích đất bị mất đi của Việt Nam sẽ lên tới 40.000 km2, chiếm 12,1 % tổng diện tích đất hiện có, kéo theo hệ quả 17,1 triệu người sẽ mất đi nơi sinh sống, chiếm 23,1 % dân số tại thời điểm báo cáo. Tác động BĐKH làm gia tăng rủi ro do lũ, bão, ngập úng, khô hạn không chỉ gây hư hại cơ sở hạ tầng, sản xuất, cuộc sống nhân dân mà còn tác động trực tiếp đến độ an toàn và hoạt động của các dự án. Người nghèo, các dân tộc thiểu số là các đối tượng bị tác động lớn nhất do BĐKH. Chương này cũng tóm tắt các tác động BĐKH đến từng ngành kinh tế nước ta: giao thông, nông nghiệp, công nghiệp…tài nguyên sinh vật, đa dạng sinh học và các lĩnh vực xã hội: di dân, đời sống, sức khỏe.. Từ kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế Chương Hai cho thấy lồng ghép đánh giá rủi ro BĐKH có nhiều lợi ích cho dự án và cơ quan quản lý nhà nước: - Dự báo các ảnh hưởng xấu do BĐKH đến dự án; - Dự báo rõ khả năng tác động do dự án đến BĐKH; - Tạo cơ sở khoa học cho việc lập các chiến lược, phương án, biện pháp ngăn ngừa, ứng phó tác động xấu do BĐKH; - Tạo uy tín đối với chủ dự án vì quan tâm ứng phó BĐKH. Chương này cũng nêu các nội dung của đánh giá rủi ro do BĐKH cần làm rõ là: - Mô tả quần thể con người, tài nguyên sinh thái, xã hội vùng bị tác động; - Xác định nguồn gây rủi ro do BĐKH (mưa, lũ, bão, tăng nhiệt độ, xâm nhập mặn, khô hạn hay nước biển dâng….); tiềm năng tiếp xúc của công trình dự án với chúng; tính nhạy cảm, khả năng thích ứng, khả năng tác động tích hợp, tác động kèm theo của rủi ro do BĐKH; - Xác định sự không chắc chắn trong đánh giá rủi ro do BĐKH; - Nêu các chiến lược/kế hoạch/phương án quản lý, ứng phó với rủi ro do BĐKH; - Truyền đạt thông tin về những rủi ro do BĐKH có thể gây ra đối với dự án, con người và tài nguyên sinh thái vùng dự án và khả năng tác động của dự án đến BĐKH đến cơ quan có trách nhiệm và công chúng. Lồng ghép đánh giá rủi ro BĐKH vào quá trình ĐTM là ý tưởng tốt, mang lại lợi ích lớn cho chủ dự án, cung cấp thông tin quan trọng cho cơ quan quản lý để thẩm định dự án. Tuy nhiên việc lồng ghép là không dễ về mặt chuyên môn và đòi hỏi nguồn lực lớn về nhân lực, thời gian, kinh phí vì phải vượt qua các thách thức vì quy định pháp lý chưa cụ thể, tác động do BĐKH là quá trình lâu dài, trên diện rộng, khó dự báo chắc chắn và nước ta chưa có quy trình, hướng dẫn kỹ thuật cho công tác này…… Chương Ba đã đề xuất 4 quan điểm (concepts) và 11 nguyên lý thực hành tốt (Best practice principle) của việc lồng ghép đánh giá rủi ro BĐKH vào ĐTM. Các quan điểm chính là: a. Lồng ghép đánh giá rủi ro BĐKH vào quá trình ĐTM là yêu cầu khách quan để đảm bảo phát triển bền vững quốc gia, địa phương, ngành/lĩnh vực và bản thân dự án; b. Lồng ghép đánh giá rủi ro BĐKH vào quá trình ĐTM giúp chủ dự án dự phòng, ứng phó với các tác động do các hiện tượng thời tiết bất thường, đảm bảo dự án lựa chọn vị trí, công nghệ, vật liệu phù hợp để ứng phó BĐKH, đảm bảo an toàn cho dự án, các hệ sinh thái và dân chúng; c. Tất cả các dự án có tiềm năng phát thải KNK cao hoặc nhạy cảm với tác động do BĐKH đều cần thực hiện lồng ghép đánh giá rủi ro BĐKH vào quá trình ĐTM; d. Để không thêm phức tạp các quy định pháp lý về ĐTM và không tăng phiền phức cho chủ dự án: không cần lập báo cáo riêng về đánh giá rủi ro BĐKH mà chỉ cần thực hiện đánh giá rủi ro BĐKH trong từng bước của Quy trình và cấu trúc báo cáo ĐTM hiện hành. Có nhiều quy trình lồng ghép đánh giá rủi ro vào ĐTM đã được một số quốc gia, tổ chức ban hành. Chương này đã nêu sơ đồ các bước/giai đoạn của các quy trình lồng ghép đánh giá rủi ro BĐKH vào quá trình ĐTM dựa trên hướng dẫn và thực tiễn tốt nhất. Trong Chương Bốn chúng tôi đã đề xuất sơ lược Quy trình lồng ghép đánh giá rủi ro BĐKH vào ĐTM đối với Việt Nam dựa vào các cơ sở khoa học và thực tiễn về quy định pháp luật và năng lực chuyên môn hiện có ở nước ta (trong 10 năm nay: ĐTM một số dự án ở Việt Nam đã đánh giá rủi ro BĐKH: tính toán phát thải KNK và đánh giá rủi ro ngập lũ, mất an toàn công trình do BĐKH). Theo đề xuất: Không thay đổi Quy trình ĐTM hiện hành mà cần lồng ghép đánh giá rủi ro do tác động BĐKH vào từng bước của Quy trình ĐTM này. Quy trình ĐTM sẽ có 11 bước (Bước 1: Sàng lọc; Bước 2: Xác định phạm vi; Bước 3: Bước 3: Nghiên cứu hiện trạng môi trường, kinh tế, xã hội; Bước 4: Đánh giá tác động môi trường và xã hội; Bước 5: Phân tích các phương án; Bước 6: Đề xuất các biện pháp giảm thiểu; Bước 7: Lập Kế hoạch (Chương trình) quản lý môi trường; Bước 8: Lập báo cáo ĐTM; Bước 9: Tham vấn cộng đồng; Bước 10: Công khai thông tin; Bước 11: Giám sát/quan trắc). Việc lồng ghép đánh giá rủi ro BĐKH vào từng bước sẽ được thực hiện thể nào đã được đề xuất trong Quy trình lồng ghép này. Chương này cũng giới thiệu các vấn đề cần đánh giá về rủi ro BĐKH (tính tổn thương, tính nhạy cảm, tính thích ứng, tác động tích hợp…), tài liệu tham khảo về Quy trình và phương pháp đánh giá rủi ro do BĐKH; các phương pháp dự báo, đánh giá tổn thương do BĐKH đến dự án và các phương pháp tính toán phát thải KNK để các đơn vị, cá nhân thực hiện đánh giá rủi ro BĐKH có thể học tập, ứng dụng. Chương Năm đã nêu nêu một số tác động chính của các loại hình dự án đến BĐKH và rủi ro do BĐKH của chúng. Từ đó chúng tôi đề xuất danh mục các loại hình dự án cần thực hiện đánh giá rủi ro BĐKH trong quá trình ĐTM. Đây là gợi ý để sau này khi xây dựng Quy trình và Hướng dẫn kỹ thuật đánh giá rủi ro BĐKH trong quá trình ĐTM Bộ TN&MT sẽ tham khảo, xem xét chi tiết. Báo cáo kèm theo 63 tài liệu tham khảo được sử dụng cho nghiên cứu.
Từ 01/02 đến 25/02/2020 TP Hồ Chí Minh Mùa Covid-19.