Dự án “Xây dựng Hướng dẫn về môi trường và xã hội đối với các dự án thủy điện nhỏ” (Dự án SECO/WB)
Hiện nay ở nước ta đã có trên 1.000 địa điểm đã được đánh giá là có khả năng phát triển loại hình dự án thủy điện nhỏ (công suất dưới 30 MW). Khoảng 190 dự án thủy điện nhỏ đã được xây dựng và 456 dự án khác có tổng công suất 6.349 MW đang được nghiên cứu.
Tuy nhiên các dự án này dang gây nhiều tác động xấu đến môi trường, tài nguyên sinh thái và xã hội. Vì vậy Bộ Công Thương với sự hỗ trợ của SECO (Thụy Sỹ) và WB xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về quản lý môi trường và xã hội phục vụ các cơ quan quản lý môi trường, nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng, tư vấn và các ngân hàng cho vay vốn nhằm cải thiện sự tuân thủ về an toàn và phát triển bền vững loại hình dự án này. VESDEC được tuyển chọn thực hiện Dự án này.
Từ đầu tháng 5/2016 VESDEC với sự chủ trì của Viện trưởng và có sự tham gia của các chuyên gia thủy điện, thủy văn, sinh thái, xã hội từ nhiều đơn vị đã triển khai nghiên cứu, khảo sát, phỏng vấn với Ban QLDA và với dân chúng dự án thủy điện To Buông (Sơn La), dự án Bản Ang (Tương Dương- Nghệ An), dự án Sơn Tây (Sơn Tây - Quảng Ngãi).
Đoàn tư vấn VESDEC khảo sát thủy điện Bản Ang, Nghệ An, 05/2016; Hạ lưu sông tại dự án thủy điện Bản Ang, 05/2016
Thủy điện gây khô cạn dòng chảy hạ lưu: tác động sinh thái và xã hội; Tham vấn bà con dân tộc Thái định cư ven Thủy điện To Buông, Sơn La, 05/2016
Qua khảo sát thực địa kết hợp tham khảo hàng trăm tài liệu trong, ngoài nước Đoàn chuyên gia đã xác định các tác động chính đến môi trường và xã hội trong 4 giai đoạn: chuẩn bị, xây dựng, vận hành và dỡ bỏ đã xác định và đã định hướng các biện pháp quản lý môi trường và xã hội.
Kết quả thực hiện các nhiệm được tóm tắt dưới đây:
Thực hiện nhiệm vụ 1: Xem xét sự tuân thủ các yêu cầu bảo vệ của các thủy điện nhỏ ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế (Task 1: Review of safeguard compliance of small hydropower in Vietnam and international experience) Thực hiện nhiệm vụ 2: Xây dựng đề cương “Hướng dẫn” (Task 2: Development of guideline outline): Thực hiện nhiệm vụ 3: Xây dựng Hướng dẫn (Task 3: Development of the guidelines) Thực hiện nhiệm vụ 4: Nâng cao năng lực và đào tạo (Task 4: Capacity building and training)
Sau khi các nội dung của Sổ tay và tập phụ lục được Ban QLDA, WB. SECO chấp nhận, được sự đồng ý của Tổng cục Năng lượng -Bộ Công Thương Ban QLDA phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức thành công tốt đẹp 2 chương trình hội thảo đào tạo tại Hà Nội. Cụ thể như sau.
(i) Thành phần những người tham dự:
- Chương trình 1: 28 người, ngoài đại diện các bộ ngành, các ngân hàng còn có 5 đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh vùng xa: Sơn La, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đăk Nông. Vì thời điểm hội thảo tập huấn vào dịp cuối năm nên nhiều Sở, ngành rất bận không thể về Hà Nội dự. - Chương trình 2: 32 người, ngoài một số chủ đầu tư, nhà thầu, các đơn vị tư vấn thủy điện còn có nhiều giảng viên các trường đại học, cán bộ nghiên cứu môi trường tham dự để nâng cao hiểu biết thực tế về các vấn đề môi trường và xã hội ngành thủy điện. Những người tham dự đủ 2 ngày (4 buổi) của Chương trình 2 đã được Ban QLDA - Tổng cục Năng lượng cấp chứng chỉ (Certificate) về hoàn thành Chương trình đào tạo về “Hướng dẫn quản lý môi trường và xã hội các dự án thủy điện nhỏ”.
Hội thảo đào tạo Chương trình 1: (dành cho cán bộ quản lý nhà nước các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các ngân hàng)
Hội thảo đào tạo Chương trình 2: (dành cho các chủ đầu tư, nhà thầu, các đơn vị tư vấn, cơ quan KHCN về môi trường, thủy điện)
(ii) Đánh giá của học viên về chương trình hội thảo tập huấn
Về Chương trình 1:
Do thời gian hội thảo tập huấn chỉ 01 ngày nên Ban Tổ chức không yêu cầu lấy ý kiến bằng văn bản những người tham dự đánh giá công tác tổ chức và kết quả đào tạo. Tuy nhiên, Qua phát biểu đại diện các bộ ngành, sở và các ngân hàng thương mại đều đánh giá: chương trình tập huấn có nhiều nội dung mới, chất lượng các bài giảng rất tốt; khoa học và thực tế, giúp tăng thêm hiểu biết cho công tác quản lý môi trường và xã hội trong công tác của các đơn vị liên quan. Về Chương trình 2:
Để có đánh giá khách quan, rõ ràng về chương trình 2 này Ban Tổ chức đã phát cho người tham dự (là học viên) phiếu đánh giá theo 7 tiêu chí .
(iii) Về nội dung hội thảo đào tạo
Kết quả phân tích 30 phiếu đánh giá của 30 học viên được nêu dưới đây. 100% số học viên cho rằng mục đích của hội thảo đào tạo đã được trình bày rõ và hội thảo đào tạo đã đạt được mục đích đề ra ban đầu. Nhiều học viên mong muốn Bộ Công Thương tổ chức các chương trình tập huấn về tác động và quản lý môi trường cho các loại hình phát triển của ngành để đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực trong quản lý môi trường gắn kết phát triển kinh tế.
Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu trong Điều khoản tham chiếu của Dự án “Xây dựng Hướng dẫn môi trường và xã hội đối với các dự án thủy điện nhỏ ở Việt Nam” (Package 2.2.3) trong Chương trình Phát triển năng lượng tái tạo (Vietnam Renewable Energy Development Program- TF098460) đơn vị tư vấn - Viện Khoa học Môi trường và Phát triển (VESDEC) đã hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ.
Nguồn tin: VESDEC
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://vesdec.com.vn là vi phạm bản quyền