❄
1. Tác giả cùng đoàn công tác đến Cảng Hàng không Côn Đảo. Sân bay mới được nâng cấp, hiện có 5-6 chuyến máy bay loại ATR từ TPHCM ra, vào hàng ngày; công suất: có thể tiếp nhận 20 chuyến/ngày.
2. Vịnh Côn Sơn – thiên đàng giữa hạ giới: nước trong; cảnh đẹp, yên lành.
3,4. Bãi biển Côn Đảo còn hoang sơ, giản dị nhưng lại cuốn hút loại khách du lịch nước ngoài bởi sự yên tĩnh, thanh bình, an toàn, sạch sẽ.
5. Các hòn Trắc, Thỏ, Tài cách đảo lớn khoảng 2-4 km (không có người ở);6. Khu trung tâm thị trấn Côn Đảo có diện tích khoảng 5-6 km2 nhìn từ Chùa Vân Sơn và hồ sen có diện tích 10ha chứa nước ngọt. Côn Đảo hiện có nhà máy nước ngầm tầng sâu cung cấp đủ nước có chất lượng tốt cho toàn thị trấn.
7. Cảng Bến Đầm ở điểm cực Tây Nam đảo; 8. Hoàng hôn trên vịnh Côn Sơn
Tại trung tâm TT Côn Đảo có đến trên 20 đườngphố, phần lớn được mang tên các những người yêu nước nổi tiếng từng bị giam cầm tại đây: Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Đức Thuận, ….và cả danh tướng Nguyễn Huệ (sau là Hoàng đế Quang Trung). Liệu có nên đặt tên con đường nào đó là Nguyễn Ánh? vì hòn đảo này chính là nơi chúa Nguyễn và cung phi, thuộc tướng lẫn trốn quân đội Tây Sơn, sau này được vua Gia Long chính thức đặt đơn vị hành chính. Ngày nay, là quần đảo nằm giữa biển Đông, sát tuyến đường hàng hải quốc tế Côn Đảo không chỉ là thiên đường về thiên nhiên mà còn có giá trị đặc biệt quan trọng về địa lý - kinh tế - quân sự. Do vậy ta càng biết ơn các vị tiền nhân đã chiếm hữu vùng đất, vùng biển này cho nước Việt, để nơi này có tên “Côn Đảo”, “Côn Sơn” chứ không phải là “Poulo Condor”.
1.2. Làm sao giữ được “thiên đường”
Mặc dù có 16 đảo lớn nhỏ nhưng dân chúng chỉ có thể định cư trên 1 đảo lớn (Côn Sơn) vì các đảo khác hoặc không có nước ngọt, hoặc chỉ toàn núi đá dốc đứng. Đảo lớn có diện tích 51,5 km2 nhưng có trên 80% là núi đá, chỉ có vùng đất bằng ven bờ Đông Nam độ 5-6 km2 và 2 khu vực khác (ven sân bay và Bến Đầm mỗi nơi vài chục ha) là có thể xây dựng nhà cửa, sản xuất, kinh doanh bình thường. Cả dãi bờ biển phía Tây, Bắc, Đông của đảo là núi đá, dốc đứng, không thể định cư, không có bãi biển. Như vậy ngoài vùng núi thuộc Vườn Quốc gia (VQG), tổng diện tích vùng có thể lập khu dân cư, khu du lịch chỉ khoảng 15% diện tích đảo, nhưng diện tích các trại tù, di tích lịch sử đã chiếm 1/3 diện tích đất có thể ở. Khác các huyện đảo Cát Hải, Vân Đồn, Lý Sơn, Phú Quốc: trên Côn Đảo không có đất ruộng, và hầu như không có chăn nuôi để có thể tự cấp lương thực, thực phẩm.
Bãi biển Côn Đảo cát trắng đẹp nhưng hẹp và ngắn, phân bố rải rác ở bờ Đông Nam, tổng chiều dài các bãi có thể làm khu nghỉ dưỡng chỉ dưới 10 km.
Với các đặc điểm tự nhiên trên sức chứa của Côn Đảo nên dưới 15.000 dân là phù hợp và khoảng 200.000 khách du lịch/năm là hợp lý. Nếu theo Quy hoạch được Chính phủ duyệt đến năm 2030: dân số tăng đến 30.000 người, du khách 250-300.000 người; xây đường tránh khu đô thị cũ (xuyên qua vùng “lõi” của VQG), xây cáp treo (lên đỉnh núi trong VQG), xây cảng biển cho tàu biển 50-60.000 DWT… thì chắc chắn Côn Đảo sẽ không còn yên lành về xã hội , không còn bầu không khí trong lành, không còn các bãi biển sạch như hiện nay; VQG đang được bảo vệ nghiêm ngặt sẽ bị xâm hại nặng. Khi đó liệu Côn Đảo có còn là thiên đàng? Liệu Côn Đảo có còn là nơi lý tưởng để các khách du lịch lựa chọn? Bài học Cát Bà: ngoài Khu dự trữ sinh quyển diện tích không gian cư trú trên đảo còn khá lớn: riêng thị trấn có 59 km2 (gấp 7-8 lần thị trấn Côn Đảo) dân số chỉ 8.500 người nhưng với số lượng khách du lịch gần 1,0 triệu người/năm (chỉ lớn hơn quy hoạch Côn Đảo trên 3 lần) mà vịnh biển đã bị ô nhiễm nặng, VQG trên đất, dưới biển đã bị xâm hại.
Như vậy, cách đơn giản nhưng tối ưu để gìn giữ thiên đàng Côn Đảo: hãy bảo tồn nghiêm VQG cả trên đất liền và dưới biển: hãy xem lại các quy hoạch đầy tham vọng nhưng tác hại xấu đến môi trường và xã hội; chỉ gia tăng dân số hợp lý; không xây đường xuyên VQG, không xây cáp treo trong VQG chứ không chỉ lo việc vệ sinh môi trường.
2. Ngục tù đế quốc
Tài liệu lịch sử ghi: ngày 01/02/1862 (trước khi Triều đình Huế ký Hiệp ước Nhâm Tuất vào ngày 05/6/1862, nhượng đảo Côn Lôn cho Hoàng đế Pháp) toàn quyền Bonard đã ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo.
Từ năm đó đến 01/5/1975 (113 năm) trong các nhà tù tại đảo này đã có trên 10.000 người Việt Nam yêu nước đã chết do các cai tù của thực dân Pháp và chính quyền Việt Nam Cộng hòa tra tấn, hành hạ, khổ sai, bắn, giết. Nếu ai một lần đến đây, dù đã đọc sách về địa ngục trần gian này nhưng cũng không thể đủ can đảm xem hết từng xà lim, chuồng cọp, trại khổ sai với các loại hình tra tấn, nhục hình mà người bình thường không thể nghĩ ra được. Tôi đã thăm nhà tù Sơn La, nhà tù Hỏa Lò, khám lớn Chí Hòa….và cả nhà tù Johanesburg (Nam Phi, nơi từng gian lãnh tụ Nelson Mandela) nhưng chẳng ở đâu con người bị đối xử tàn ác như ở Côn Đảo. Vì không muốn các bạn “sốc” nên tôi không đưa hình bên trong các xà lim mà chỉ chọn vài tấm ảnh “ít bạo lực nhất” để mọi người hình dung một số trong nhiều nhà tù nằm rải rác ở nhiều khu vực trên đảo. Mong sao các vị lãnh đạo TW, bộ, ngành nào đang mải mê tìm kiếm tài lộc, thuyết giáo sáo rỗng và vô cảm cho đến các bạn trẻ nào đang say sưa với xe xịn, hàng hiệu… hãy 1 lần đến đây để hiểu các bậc tiền nhân đã vì nước quên thân như thế nào. Các vị này là các chí sỹ không cộng sản như Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, Huỳnh Thúc Kháng…các vị cộng sản như Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Lương Khánh Thiện…và hàng vạn người vô danh khác… Không rõ khi đứng trước các xà lim này các vị lãnh đạo, các bạn, các cháu có tự vấn: sống và làm việc sao cho xứng với cha ông, với nhân dân không?
9. Cổng”Trung tâm cải huấn - Trại Phú Hải” (nhà tù đầu tiên của Pháp); 10. Sân “Trung tâm cải huấn”: bên ngoài thanh bình với 1 nhà nguyện nhỏ, 2 bên là 2 nhà lớn, mái ngói cao, rộng sà xuống gần mặt đất có vẻ hiền hòa nhưng bên trong 2 nhà này là các nhà giam cực kỳ tàn bạo (ảnh phải).
11. Khu “chuồng cọp” kiểu Pháp tại trại Phú Tường” (tù nhân bị nhốt 5-10 người/1chuồng ở dưới, cai ngục đổ vôi bột từ trên xuống: bạn có thể tưởng tượng điều gì sẽ xẩy ra với người tù?); 12. Khu “chuồng cọp” kiểu Mỹ tại trại Phú Bình” (ảnh phải): tù nhân bị giam, cùm trong các xà lim rất hẹp (tôi đếm đến trên 40 xà lim kiểu này trong 1 nhà giam).
3. Ngôi mộ được thăm nhiều nhất Việt Nam
Theo tài liệu khoa học: “Vườn Quốc gia Côn Đảo được thành lập từ năm 1993 với diện tích 6.000 ha trên cạn và 14.000 ha vùng nước, bao cả 16 hòn đảo. Thành phần thực vật Côn Đảo tương đối phong phú và đa dạng với khoảng 882 loài thực vật bậc cao thuộc 562 chi, 161 họ. 44 loài thực vật được các nhà khoa học tìm thấy lần đầu tiên ở đây, 11 loài được các nhà khoa học lấy tên Côn Sơn đặt tên loài. Hệ động vật rừng Côn Đảo đã ghi nhận được 144 loài, trong đó lớp thú có 28 loài, chim 69 loài, bò sát 39 loài, lưỡng cư 8 loài. Một số động vật đặc hữu tại Côn Đảo như: sóc mun (Callosciunis finlaysonii), sóc đen (Ratufa bicolor condorensis), chuột Côn Đảo (Rattus niviventer condorensis), thạch sùng Côn Đảo (Cyrstodactylus condorensis). Hệ sinh thái biển của Côn Đảo cũng đa dạng và phong phú với 1.321 loài sinh vật biển đã thống kê được, đặc biệt san hô có 219 loài, thú và bò sát biển 5 loài...có 37 loài có tên trong sách Đỏ Việt Nam đã được tìm thấy tại đây. Các loài thú biển quý hiếm như: cá voi xanh (Neophon phocaenoides), cá nược (Orcaella brevirostric), cá cúi – bò biển (Dugon dugong). Đặc biệt Côn Đảo còn là bãi đẻ trứng của một số loài rùa biển…”.
Mấy ngày trên đảo tôi có cảm nhận VQG được bảo tồn rất tốt: tôi đã thấy tận mắt sóc mun tại Nghĩa trang Hàng Dương, thấy các loài khỉ trên núi đá. Người dân địa phương còn cho biết hiện nay heo rừng, nai, khỉ, sóc ngày càng nhiều vì không ai săn bắt. Tuy nhiên điều thú vị mà không có ở các VQG khác: là phần lớn diện tích các núi đá Côn Sơn đều có thảm thực vật bản địa che phủ, hầu như chưa có loại thực vật ngoại lai như bạch đàn, keo, tràm bông vàng xâm nhập vào quần đảo này.
Ngạc nhiên và ấn tượng nhất lại là 1 loài thực vật tưởng là rất quen thuộc ở mọi địa phương từ Bắc và Nam từ đồng bằng đến trung du nước ta nhưng lại rất đặc biệt mà chỉ ở Côn Đảo ta mới bắt gặp: cây bàng Côn Đảo.
Nếu ở Hà Nội và miền lục địa: cây bàng thường đứng riêng lẻ (cây bàng mồ côi mùa đông), bàng Côn Đảo lại tập trung thành các hàng dài, thành từng cụm lớn (ảnh 17). Các hàng bàng có thể được bắt gặp từ các sân nhà tù đến đường phố, đến khu dân cư. Nếu ở miền lục địa: cây bàng có lá mỏng, thân cây tròn trịa, dáng cong, nghiêng ngả thì bàng Côn Đảo độc đáo và đặc hữu là có thân cây đứng thẳng và to gấp vài lần cây bàng trong đất liền (các cây cổ thụ có chu vi phần gần gốc đến trên 2,0 m). Thân cây lại nổi u, cục như xà cừ cổ thụ; lá lại dày và xanh biếc (ảnh 17, 18).
17. Hàng cây bàng trên phố nhỏ Côn Đảo; 18. Đường Tôn Đức Thắng ven biển có thể gọi là “phố hàng bàng” (ảnh phải.)
Nhìn hàng bàng Côn Sơn có thể thấy được sự vững chãi, trường thọ của loài thực vật này trước gió biển, trên đất cằn và ta có thể liên tưởng đến sự can trường, hiên ngang của những người yêu nước đã bị giam cầm, hy sinh nơi đây. Không hiểu cây bàng được đưa đến đảo này từ khi nào nhưng có người nói là khi lập trại giam người Pháp đã trồng bàng trong sân trại (nếu vậy đến nay các “cụ bàng” đã đến 150 tuổi!).
Chiều ngày 22/8 đang trong “chuồng cọp” tình cờ nhận được điện thoại từ TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) cho biết ở Côn Đảo có nhiều cây bàng được công nhận Cây Di Sản, nhớ đến thăm. Vậy là tôi tìm ngay. Đến nhà tù Phú Hải: ngay sân nhà tù có 2 hàng bàng cổ thụ, đếm đúng 10 cây được gắn “Cây di sản Việt Nam” cả tiếng Việt và Anh (ảnh 20). Trước đại thụ lớn nhất lại có tấm bia khắc chữ vàng “Cây di sản Việt Nam” (ảnh 19).
Tác giả bài viết: PGS. TS. Lê Trình
Nguồn tin: -
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn