Giới thiệu sách “Quy hoạch bảo vệ môi trường: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn” sắp xuất bản
Cuốn sách này là một chuyên khảo về khoa học môi trường, được hình thành dựa trên kết quả nghiên cứu nhiều năm của các thành viên trong nhóm tác giả, được đúc kết từ công tác điều tra, khảo sát, xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường tại một số tỉnh thành nhằm hướng đến một triết lý, một mô hình phân vùng, quy hoạch bảo vệ môi trường có cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn theo hướng đảm bảo phát triển bền vững cho các địa phương cấp tỉnh/thành theo luật định.
Sách “Quy hoạch bảo vệ môi trường: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn”
Ở Việt Nam chính sách về môi trường được hoạch định theo quy trình: Tầm nhìn - Chiến lược bảo vệ môi trường - Quy hoạch bảo vệ môi trường - Kế hoạch, hành động bảo vệ môi trường. Vấn đề quy hoạch bảo vệ môi trường ở Việt Nam đã được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ Môi trường số 55/2014/QH13 và được quy định trong Nghị định 18/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Quy hoạch bảo vệ môi trường theo luật định là việc phân vùng môi trường để bảo tồn, bảo vệ, phát triển và thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật gắn với hệ thống giải pháp bảo vệ môi trường trong sự liên quan chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo đảm phát triển bền vững. Có thể thấy, quy hoạch bảo vệ môi trường cần được tiến hành song song với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội trong từng công đoạn và là một quy trình không đảo ngược. Quy hoạch bảo vệ môi trường là một phương thức phòng ngừa ô nhiễm và sự cố môi trường một cách tích cực nhất, đồng thời tiết kiệm chi phí đầu tư xử lý môi trường và khắc phục sự cố môi trường. Thực tế ở nước ta, đã có nhiều tỉnh, thành phố tiến hành lập quy hoạch bảo vệ môi trường cho địa phương và hiệu quả đem lại là rất tốt.
Sách “Quy hoạch bảo vệ môi trường - cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn” là một chuyên khảo về khoa học môi trường, do tập thể tác giả gồm GS.TSKH Đặng Trung Thuận, PGS.TS Lê Trình, TS Đặng Trung Tú và ThS Trịnh Phương Ngọc biên soạn. Cuốn sách này được hình thành dựa trên kết quả nghiên cứu nhiều năm của các thành viên trong nhóm tác giả, được đúc kết từ công tác điều tra, khảo sát, xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường tại một số tỉnh thành ở trung du miền núi, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung nhằm hướng đến một triết lý, một mô hình phân vùng, quy hoạch bảo vệ môi trường có cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn theo hướng đảm bảo phát triển bền vững cho các địa phương cấp tỉnh/thành theo luật định.
Cấu trúc chuyên khảo gồm 2 phần. Phần thứ nhất gồm các chương 1,2 và 3 giới thiệu tổng quát về sự hình thành và phát triển lĩnh vực khoa học quy hoạch bảo vệ môi trường trên thế giới và ở Việt Nam cùng những ứng dụng của nó; luận giải các khái niệm về quy hoạch bảo vệ môi trường và mối tương quan với các quy hoạch khác; xác lập các cơ sở khoa học, căn cứ thực tiễn và nội dung của quy hoạch bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu, trong đó có hợp phần phân vùng môi trường là tiền đề quan trọng cho quy hoạch bảo vệ môi trường; làm sáng tỏ các cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và công cụ kỹ thuật sử dụng trong quá trình lập quy hoạch bảo vệ môi trường. Phần thứ hai gồm các chương 4,5 và 6 trình bày kết quả nghiên cứu lập quy hoạch bảo vệ môi trường cụ thể đối với 3 tỉnh/thành là Thái Nguyên đặc trưng cho khu vực trung du miền núi, Tiền Giang điển hình cho vùng đồng bằng và Đà Nẵng đặc trưng cho thành phố đô thị ven biển. Sự lựa chọn này xuất phát từ quan niệm rằng, Việt Nam như các nhà địa lý mệnh danh là đất nước “Tam sơn tứ hải nhất phần điền”, được hiểu là xứ sở có “ba phần là núi, bốn phần là biển và một phần là đồng ruộng”, và rằng 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh của cả nước ít nhiều đều có những nét tương đồng với 3 tỉnh/thành trên.Vì vậy, hy vọng rằng những cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn đúc kết được từ 3 tỉnh/thành này có thể là khuôn mẫu để nhân rộng quy hoạch bảo vệ môi trường ra các địa phương khác.
Cuốn sách này không phải là giáo trình vì không biên soạn theo logic của các bài giảng; cũng không phải là sổ tay hướng dẫn về quy hoạch bảo vệ môi trường vì phương thức trình bày không theo cách “nắm tay chỉ việc”, mà là một chuyên khảo trong lĩnh vực khoa học môi trường. Chuyên khảo này đã vận dụng những lý luận về quy hoạch bảo vệ môi trường và chiến lược phát triển bền vững, tích hợp những nghiên cứu của tập thể tác giả tại nhiều tỉnh/thành và kế thừa những tư liệu liên quan để biên soạn sách nhằm cung cấp cho bạn đọc gần xa phương pháp tư duy khoa học và góc nhìn thực tế về vấn đề quy hoạch bảo vệ môi trường trên lãnh thổ Việt Nam. Đây có thể là tài liệu tham khảo rất tốt cho các thầy giáo và sinh viên, học viên bậc đại học và sau đại học, các nhà nghiên cứu, tư vấn về môi trường, đồng thời cũng là cuốn sách nên đọc đối với những chuyên gia có liên quan đến phân vùng, quy hoạch, quan tâm đến vấn đề môi trường và quy hoạch bảo vệ môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển đất nước Việt Nam. Tập thể tác giả xin chân thành cảm ơn UBND, các sở, ngành các tỉnh Thái Nguyên, Tiền Giang và thành phố Đà Nẵng về sự giúp đỡ nhiệt tình trong điều tra khảo sát tại địa phương và hỗ trợ, chia sẻ nhiều tư liệu quý giá để hình thành cuốn chuyên khảo này.