Môi trường tự nhiên Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Phần 2: Số liệu cập nhật về khí hậu
Từ số liệu về các thông số khí hậu trung bình tháng trong 5 năm liên tục (2015 – 2019) tại 2 trạm khí tượng thủy văn quốc gia  tại Mỹ Tho và Cần Thơ do do Trung tâm Thông tin và Dữ liệu Khí tượng Thủy văn - Tổng cục KTTV - Bộ TN&MT cung cấp và các tài liệu khác có thể tóm tắt về đặc trưng khí haahu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như sau.


2.1.  Tổng quan về khí hậu vùng ĐBSCL
Vùng ĐBSCL có một nền nhiệt cao, ổn định trong cả năm, phần lớn trong khoảng 25 - 27oC, số giờ nắng 2.200 - 2.400 giờ mỗi năm, trung bình 6 - 7 giờ mỗi ngày; lượng bốc hơi trung bình 1.000 - 1.300mm, độ ẩm tương đối của không khí 78 - 82%. Nhiệt độ trung bình năm: 27,5 - 27,8oC. Thời điểm nóng nhất trong năm là tháng 3, tháng 4, nhiệt độ ban ngày 28°C - 35°C; từ tháng 6 đến tháng 2 nhiệt độ thấp nhất nhưng hiếm khi dưới 20°C. 
Thống kê giai đoạn 2000 - 2020 cho thấy, lượng mưa trung bình toàn vùng ĐBSCL vào khoảng 1.733mm (dao động từ 1.400 - 2.200mm, lượng mưa lớn tập trung tại vùng bán đảo Cà Mau từ 1.900 - 2.200mm). Tổng lượng tài nguyên nước mưa tại vùng ĐBSCL là 65,4 tỷ m3/năm. Tổng lượng mưa năm thống kê tại một số trạm trong vòng 20 năm vừa qua đều cho thấy có xu thế giảm từ 10 - 15 %2.
Về mặt không gian, lượng mưa trung bình hàng năm cao nhất ở phía Tây từ 2.000 - 2.400mm (Cà Mau, Nam Kiên Giang), giảm dần về vùng Duyên Hải phía Đông: 1.700 - 1.800mm (Bạc Liêu, Sóc Trăng), thấp nhất tại khu vực giữa sông Hậu, sông Tiền (An Giang, Tiền Giang), tăng nhẹ về phía Đông Bắc với 1.600 - 1.800mm (Tân An, Mộc Hóa).
Do mưa lớn trong toàn lưu vực từ tháng 8 đến 12 thường gây ngập lũ cho khoảng 50% diện tích toàn Vùng. Ngược lại, vào mùa khô thường thiếu nước ngọt, nhất là khu vực bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.
2.2.  Chi tiết về diễn biến các đặc trưng khí hậu 5 năm gần đây
Chi tiết về diễn biến các đặc trưng khí hậu tại 2 trạm Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang (kinh độ: 106o24', vĩ độ: 10o21' - đại diện cho vùng Bắc sông Hậu) và Cần Thơ (kinh độ: 105o46', vĩ độ: 10o02', đại diện cho vùng Nam sông Hậu) trong 5 năm liên tục (2015 - 2019) theo số liệu của Trung tâm Thông tin và Dữ liệu Khí tượng Thủy văn - Tổng cục KTTV - Bộ TN&MT cung cấp (3/2020)1 được nêu dưới đây.
2.2.1.  Chế độ mưa
Đặc trưng tổng lượng mưa các tháng trong năm từ 2015 - 2019 tại các trạm Mỹ Tho và Cần Thơ được nêu được thể hiện trên các Hình 2.1 và 2.2.


  
Hình  2.1.  Bên trái: Diễn biến lượng mưa trung bình các tháng và tổng lượng mưa hàng năm ở trạm Mỹ Tho (bên phải)

 
 
Hình  2.2.  Bên trái: Diễn biến lượng mưa trung bình các tháng và tổng lượng mưa hàng năm ở trạm Cần Thơ (bên phải).
 
Từ các bảng và hình trên có thể nhận xét:
-  Từ 2016 - 2019, lượng mưa trung bình tháng và tổng lượng mưa hàng năm tại Mỹ Tho giảm liên tục.
-  Khác với ở Mỹ Tho, từ 2016 - 2019, lượng mưa trung bình tháng và tổng lượng mưa hàng năm ở Cần Thơ không thay đổi nhiều, ngoại trừ tăng rõ rệt vào năm 2017.
-  Lượng mưa trung bình nhiều năm giai đoạn 2015 - 2019:  Tại Mỹ Tho thay đổi khá rõ từ 1201,5 - 1815,5mm; tại Cần Thơ từ là 1.498,2 - 2.088,4mm.
-   Lượng mưa trung bình tháng trong giai đoạn 2015 - 2019 tại Mỹ Tho thay đổi khá rõ: Từ 100,1 - 151.3mm; tại Cần Thơ từ là 124,9 - 174mm.
-    Như vậy, lượng mưa ở khu vực Nam sông Hậu (đại diện là Cần Thơ) cao hơn rõ rệt so với vùng Bắc sông Hậu (đại diện là Mỹ Tho).
-  Ở Cần Thơ và Mỹ Tho mùa mưa đều từ tháng 5 đến tháng 11 và chiếm trên 90% tổng lượng mưa cả năm.
-  Vào mùa khô: Lượng mưa hàng tháng thường dưới 10mm, các tháng 2, 3 nhiều năm lượng mưa = 0,0.
Số ngày mưa trung bình nhiều năm tại trạm Mỹ Tho là 127 - 156 ngày, tại trạm Cần Thơ là 119 - 181. Tháng 9 có số ngày mưa trung bình nhiều nhất, tháng 2 có số ngày mưa trung bình ít nhất.
2.2.2.  Độ ẩm không khí
Tại các trạm Mỹ Tho và Cần Thơ độ ẩm tương đối trung bình năm trong 5 năm gần đây dao động trong khoảng từ 79 - 81%  và không thay đổi nhiều giữa các năm.        
Độ ẩm trong mùa mưa (tháng 5 - 11) thường trong khoảng 82 - 86% cao hơn độ ẩm trong các tháng mùa khô (tháng 12I - 4, khoảng 71 - 82%).

 
Hình  2.3.  Diễn biến độ ẩm (%) trung bình năm 2015 - 2019: Tại trạm Mỹ Tho (bên trái);  tại trạm Cần Thơ (bên phải).

 
 
2.2.3. Nhiệt độ
          Diễn biến nhiệt độ không khí trung bình năm tại Mỹ Tho và Cần Thơ giai đoạn 2015 - 2019 được nêu ở Hình 2.4.

 
 
Hình  2.4.  Diễn biến nhiệt độ (oC) trung bình năm, 2015 - 2019:  Tại Trạm Mỹ Tho (bên trái) và Trạm Cần Thơ (bên phải).

Từ các bảng và hình trên có thể nhận xét:
-  Tại Trạm Mỹ Tho: Nhiệt độ trung bình nhiều năm là 27,6 - 27,8oC, tháng 4 có nhiệt độ bình quân cao nhất (29,0 - 29,6oC), tháng 1 có nhiệt độ bình quân thấp nhất (25,0 - 27,10oC). Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối là 37,0oC (tháng 4/2017) và thấp nhất tuyệt đối là 19,8oC (tháng 1/2015).
-  Tại Trạm Cần Thơ: Nhiệt độ trung bình nhiều năm là 27,5 - 27,8oC (tương đương Mỹ Tho), tháng 4 có nhiệt độ bình quân cao nhất (28,8 - 29,3oC, thấp hơn Mỹ Tho chút ít), tháng 1 có nhiệt độ bình quân thấp nhất (25,2 - 26,9oC). Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối là 36,7oC (tháng 4/2019) và thấp nhất tuyệt đối là 19,6oC (tháng 1/2015).
2.2.4.  Bốc hơi
         Độ bốc hơi tại trạm Mỹ Tho được thể hiện trên Hình 2.5 dưới đây.
Qua các bảng và hình trên có thể nhận thấy:
-  Lượng bốc hơi trung bình năm ở cả 2 trạm là rất cao, có năm trên 50% lượng mưa. Đặc biệt, vào các tháng mùa khô (12 - 4), nhất là các tháng 2 - 4 độ bốc hơi rất cao; kết hợp với độ ẩm thấp và nhiệt độ cao tạo nên thời tiết không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và sức khỏe con người.
-  Tại trạm Mỹ Tho: Lượng bốc hơi trung bình năm là 875,7 - 1119,7mm; trung bình tháng là  73 - 93,3mm.
-  Tại trạm Cần Thơ: Lượng bốc hơi trung bình năm là 884,4 - 1.102,7mm; trung bình tháng là  73,7 - 91,9mm, tương đương như ở trạm Mỹ Tho.


 
Hình  2.5.  Diễn biến độ lượng bốc hơi (mm) trung bình tháng (bên trái) và cả năm (bên phải) tại Trạm Mỹ Tho, 2015 – 2019.

 
            Độ bốc hơi tại trạm Cần Thơ được nêu trên Hình 2.6 dưới đây:
  
Hình  2.6  Diễn biến lượng bốc hơi (mm) trung bình tháng (bên trái) và cả năm (bên phải) tại Trạm Cần Thơ, 2015 - 2019.
2.2.5. Chế độ gió
-    Các khu vực Bắc sông Hậu (đặc trưng là Mỹ Tho) và Nam sông Hậu (đặc trưng là Cần Thơ) đều có hai mùa gió: Gió mùa Đông Bắc thịnh hành từ tháng 11 - tháng 4 và gió mùa Tây Nam thịnh hành từ tháng 5 - tháng 10.
          Gió mùa Đông, Đông Bắc chiếm 60 - 65% số lần xuất hiện trong tháng trung tâm mùa khô (từ tháng 2 - tháng 4), tốc độ gió trung bình tháng 1,0 - 2,0 m/s, lớn nhất là 7,0m/s (tháng 3 và 12).
          Gió mùa Tây Nam với thành phần chính là gió hướng Tây và Tây Nam, chiếm từ     70 - 75% số lần xuất hiện trong tháng trung tâm mùa mưa (tháng 6 - tháng 9) tốc độ gió trung bình 2,0 - 3,0 m/s, tháng lớn nhất là 13 m/s (tháng 8/2019). Gíó mùa Tây Nam hoạt động mạnh là nguyên nhân chính gây ra mưa lớn và làm gia tăng ngập úng.
2.2.6.  Các hiện tượng thời tiết bất thường           
          Bão lớn rất ít khi xảy ra ở Nam Bộ. Tuy nhiên, trong các thập kỷ vừa qua bão có xu hướng dịch chuyển dần về phía Nam và hằng năm thường có một số cơn bão đi gần hoặc đổ bộ vào ĐBSCL vào thời điểm cuối năm. Một trong những thiên tai lớn nhất xảy ra tại ĐBSCL là cơn bão Linda (bão số 5) trong năm 1997 gây thiệt hại nghiêm trọng dọc vùng ven biển từ Tiền Giang đến Cà Mau: 3.000 người chết và mất tích, 200.000 căn nhà bị hư hại, thiệt hại về vật chất ước tính lên đến 385 triệu USD[1].  Trong năm 2006, bão Durian đi vào ĐBSCL nhưng gây thiệt hại ít hơn.
 
VESDEC thu thập và biên soạn 04/2020 cho Nghiên cứu Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) Quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tài liệu tóm tắt này không kèm theo số liệu chi tiết trong 5 năm.


[1] Báo Bạc Liêu, 20 năm bão số 5 (bão Linda) 1997: Bài học từ cơn thịnh nộ của thiên nhiên, 01/11/2017.