VIỆT NAM: Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu (Phần cuối): Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu ở Việt Nam
Bài viết của GS.TSKH. Trương Quang Học, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, Trưởng ban Biến đổi khí hậu của VACNE (Phần cuối).
3.1.Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu ở Việt Nam
3.2.1. Những khó khăn thách thức
Trong giai đoạn hiện nay, để PTBV, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức đang tồn tại hoặc mới phát sinh, bao gồm: i) Tác động của khủng hoảng tài chính, biến động giá lương thực và năng lượng: Trong các năm 2007-2010, thế giới phải đối mặt với ba khó khăn nghiêm trọng: khủng hoảng tài chính, biến động tăng giá nhiên liệu và giá lương thực trên quy mô toàn cầu. Do vậy, việc thực hiện PTBV của Việt Nam trở nên phức tạp hơn bởi tác động tiêu cực của các khó khăn này, trong đó nghiêm trọng nhất là khủng hoảng kinh tế toàn cầu. ii)Biến đổi khí hậu:Việt Nam được cho là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trong thời gian qua, BĐKH đã hiện hữu ngày càng rõ rệt, nhất là sự gia tăng thiên tai và đã gây nhiều thiệt hại về người và của cho nhiều khu vực, đặc biệt là ở ven biển miền Trung. Tổng số hàng năm toàn quốc mất mát do thiên tai khoảng 1,5% GDP và hơn 450 tính mạng. iii)Tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt: Trong thời gian qua, do những nguyên nhân khác nhau, tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên nước, tài nguyên sinh vật bị suy thoái nghiêm trọng. Trong một số địa phương, tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản đã bị khai thác đến mức cạn kiệt hoặc rất lãng phí. iv)Ô nhiễm môi trường: Môi trường bị suy thoái kéo dài do hậu quả của chiến tranh để lại (bom mìn và chất độc da cam/dioxin) và quá trình phát triển KT-XH hiện nay là một thách thức rất nghiêm trọng khác đối với Việt Nam trong tiến trình PTBV. v) Trình độ phát triển, hiệu quả sản xuất và tiêu dùng thấp: Trình độ phát triển của Việt Nam nói chung còn thấp, bịtụt hậu so với nhiều nước sau nhiều năm chiến tranh ác liệt kéo dài. Trình độ phát triển KH-CN (nhất là R&D và chuyển giao công nghệ) còn thấp. Hệ thống pháp luật đang trong thời kỳ chuyển đổi còn chưa đồng bộ, chưa thật phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hướng tới tăng trưởng xanh. Chi phí môi trường không thể hiện đầy đủ trong chi phí sản xuất. Hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý còn chia cắt chưa phù hợp với sự phát triển trong liên kết của đất nước, trong hội nhập, cần có những chỉnh sửa rất mạnh mẽ. Các mô hình sản xuất và tiêu dùng còn chưa tuân thủ chính sách “thân thiện với môi trường”. Trong tiêu dùng, lối sống hưởng thụ, tiêu xài lãng phí vẫn còn phổ biến ở một bộ phận dân cư, nhất là ở thành thị (Bộ TN&MT, 2010; Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2011, 2012a, b).
3.2.2. Tăng trưởng xanh – con đường phát triển bền vững của Việt Nam
3.2.2.1. Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam
Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 vừa được ban hành (Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2012a). Mục tiêucủa Chiến lược là tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Theo đó, các chỉ tiêu giám sát và đánh giá PTBV Việt Nam giai đoạn 2011-2020lần đầu tiênđược chính thức đưa ra, gồm: các chỉ tiêu tổng hợp (GDP xanh, chỉ số phát triển con người, chỉ số bền vững môi trường); các chỉ tiêu về kinh tế (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, năng suất lao động xã hội, mức giảm tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP, chỉ số giá tiêu dùng, cán cân vãng lai...); các chỉ tiêu về xã hội (tỷ lệ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo, tỷ số giới tính khi sinh, hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập...); các chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường (tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ đất được bảo vệ, diện tích đất bị thoái hoá...).
Dựa trên những chỉ tiêu nói trên, Chiến lược đã vạch ra các định hướng ưu tiên nhằm PTBV trong giai đoạn 2011-2020, cụ thể:
Về kinh tế, cần duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; PTBV các vùng và địa phương.
Về xã hội, tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo theo hướng bền vững; tạo việc làm bền vững; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; ổn định quy mô, cải thiện và nâng cao chất lượng dân số; phát triển văn hoá hài hoà với phát triển kinh tế, xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam; PTBV các đô thị, xây dựng nông thôn mới, phân bố hợp lý dân cư và lao động theo vùng; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để nâng cao dân trí và trình độ nghề nghiệp thích hợp với yêu cầu của sự phát triển đất nước, vùng và địa phương;...
Về tài nguyên và môi trường, chống thoái hoá, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất; bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường biển, ven biển, hải đảo và phát triển tài nguyên biển; bảo vệ và phát triển rừng; giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn ở các đô thị lớn và khu công nghiệp...
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Chiến lược cũng đề ra 8 nhóm giải pháp chính gồm: tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế PTBV; nâng cao chất lượng quản trị quốc gia đối với PTBV đất nước; tăng cường các nguồn lực tài chính để thực hiện PTBV; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về PTBV; tăng cường năng lực quản lý và thực hiện PTBV; nâng cao vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư trong thực hiện PTBV; phát triển nguồn nhân lực cho thực hiện PTBV; tăng cường vai trò và tác động của khoa học và công nghệ, đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong thực hiện PTBV; mở rộng hợp tác quốc tế(Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2012a).
Tăng trưởng xanh là một nội dung của Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 nhằm đảm bảo phát triển kinh tế theo hướng nhanh, hiệu quả và bền vững, đồng thời góp phần giảm nhẹ và phòng chống tác động của BĐKH trong giai đoạn hiện nay.
Việt Nam vừa ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế để tiến tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả nền kinh tế, ứng phó với BĐKH, góp phần xóa đói giảm nghèo, và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược Tăng trưởng xanh là “Thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng tận dụng lợi thế so sánh một cách chủ động và sáng tạo, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Mục tiêu cụ thể là: - Tái cấu trúc nền kinh tế và hoàn thiện thể chế theo hướng khuyến khích các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên với giá trị gia tăng cao, hạn chế tiến tới xóa bỏ những ngành sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường; - Nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi công nghệ hiện đại nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với BĐKH; - Nâng cao đời sống nhân dân thông qua việc tạo thêm việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh và cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc xây dựng hạ tầng xanh, lối sống thân thiện với môi trường. Trên cơ sở đó, sẽ nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế trong điều kiện mới, thực hiện việc rút ngắn khoảng cách phát triển, với chất lượng tăng trưởng cao.
Để đạt được mục tiêu như trên, các hoạt động tăng trưởng xanh trong thời gian sắp tới sẽ tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ sau: i) Giảm cường độ phát thải nhà kính (tính trên đơn vị GDP) và tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo; ii) Xanh hóa sản xuất: Tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển sâu, giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái và dịch vụ môi trường, đổi mới công nghệ;
iii) Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững: Xây dựng lối sống hòa hợp với môi trường vốn đã là truyền thống lâu đời của các dân tộc Việt Nam. Kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện mới mà nền văn minh hiện đại mang lại sẽ tạo nên đời sống tiện nghi, chất lượng cao mang đậm bản sắc dân tộc cho xã hội Việt Nam hiện đại (Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2012b, c).
Theo thiển ý của chúng tôi, trong Chiến lược Tăng trưởng xanh, ngoài những nội dung/nhiệm vụ kể trên, cần chú ý một cách thoả đáng tới cách “tiếp cận xanh”, cách tiếp cận dựa trên HST (ecosystem based approach) để đảm bảo và tăng cường khả năng chống chịu-thích ứng (adaptive resilience) cho tất cả các hệ thống, bao gồm cả các HST tự nhiên - chống chịu-thích ứng sinh thái (ecological adaptive resilience), và các hệ sinh thái-xã hội - chống chịu-thích ứng sinh thái-xã hội (socio-ecological adaptive resilience) theo nguyên tắc hài hoà với tự nhiên. Vì PTBV thực chất là bền vững về mặt sinh thái; Tác động của BĐKH, về thực chất, là tác động lên các thành phần của HST và lên toàn HST nói chung; và Ứng phó với BĐKH về nguyên tắc cũng là các giải pháp phục hồi, duy trì tính cân bằng của HST, làm tăng cường sức khoẻ và tính chống chịu-thích ứng của HST (Trương Quang Học, 2010)
Để làm được việc này, điều quan trọng nhất là có được phương pháp luận đúng, xây dựng được cơ sở khoa hoc (scientific basis) và xác định được giải pháp tổng hợp bao gồm cả giải pháp công nghệ (engineeing solutions) phù hợp cho từng đối tượng cụ thể trong từng điều kiện cụ thể, và sự tham gia tích cực của cộng đồng.
3.2.2.3. Hoàn thiện khung thể chế cho phát triển bền vững Trong giai đoạn tới, để thúc đẩy việc thực hiện PTBV ở Việt Nam, hệ thống thể chế, chính sách về PTBV sẽ được hoàn thiện theo hướng thực hiện lồng ghép các mục tiêu PTBV vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, ngành và địa phương; đẩy mạnh công tác giáo dục PTBV, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về PTBV, đào tạo và tăng cường năng lực quản lý về PTBV cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng dân cư; xây dựng và triển khai hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện theo những nguyên tắc chỉ đạo sau: i) Khung thể chế phải hài hoà giữa ba lĩnh vực của PTBV trên nền của văn hoá Việt Nam, được gắn kết bởi thể chế quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế và cần được triển khai theo vùng lãnh thổ; ii) Phải có tầm chiến lược, dài hạn và iii) Hướng tới hệ thống tổ chức quản lý hiện đại (Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2012b).
KẾT LUẬN Trong hai mươi năm qua, đặc biệt là 10 năm gần đây, Việt Nam đã tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua nhiều thách thức khó khăn thực hiện PTBV đất nước và đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng về kinh tế, xã hội và môi trường. Bên cạnh những kết quả nêu trên, trong thực thi PTBV cũng còn nhiều yếu kém, bất cập. Những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn hạn chế; lãng phí, thất thoát còn nhiều; hiệu quả đầu tư thấp. Tiêu hao nguyên liệu, năng lượng còn rất lớn. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên chưa thật hợp lý và tiết kiệm. Các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc, bội chi ngân sách, thâm hụt cán cân thương mại còn lớn, lạm phát còn cao. Môi trường sinh thái nhiều nơi bị ô nhiễm nặng. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội còn nhiều bất cập, một số mặt vẫn còn bức xúc; tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng; ùn tắc và tai nạn giao thông còn nghiêm trọng; tham nhũng chưa bị đẩy lùi; chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo đại học và dạy nghề còn yếu kém và chậm được cải thiện; các bệnh viện bị quá tải, chất lượng dịch vụ y tế còn thấp. Những hạn chế, yếu kém trên đây có phần do nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Trong giai đoạn hiện nay, PTBV ở Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức lớn có tính chất toàn cầu: khủng hoảng tài chính, năng lượng, vấn đề an ninh lượng thực, BĐKH cũng như những thách thức chủ quan khác của đất nước. Việt Nam với quyết tâm cao, tiếp tục giữ vững các cam kết quốc tế với quan điểm phát triển nhanh và bền vững, thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển kinh tế theo chiều sâu để tiến tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả nền kinh tế, ứng phó với BĐKH, góp phần xóa đói giảm nghèo…, và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững, để đưa đất nước tiến lên xứng tầm với tiềm năng vị thế của nó ở khu vực Đông Nam Á và Thế giới.
Tài liệu tham khảo chính 1.Ban thư ký Công ước Đa dạng Sinh học, 2010. Báo cáo triển vọng đa dạng sinh học toàn cầu lần thứ 3. Montreal. 2.Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2010. Báo cáo môi trường quốc gia 2010: Tổng quan môi trường Việt Nam. Hà Nội, 2010. 3.Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2011. Kỷ yếu Hội nghị phát triển bền vững toàn quốc lần thứ ba. Hà Nội, tháng 01 năm 2011. 4.Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2004. Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam). Hà Nội, 8.2004. 5. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2010. VIỆT NAM: 2/3 chặng đường thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hướng tới năm 2015. Hà Nội, 8.2010. 6.Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2011. Chiến lược Quốc gia về Biến đổi khí hậu. Hà Nội, 12.2011 7.Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2012a. Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Hà Nội, 4.2012 8.Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2012b. Thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam. Báo cáo quốc gia tại Hội nghị cấp cao của Liên Hiệp Quốc về Phát triển bền vững (RIO+20). Hà Nội, 5.2012. 9.Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2012c. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Hà Nội, 9.2012 10. IUCN, UNEP, WWF, 1996. Cứu lấy Trái đất: Chiến lược cho cuộc sống bền vững. NXB. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội 11. IPCC, 2007. “Báo cáo đánh giá lần 4 của UBLCPVBĐKH: Nhóm I: “Khoa học vật lý về biến đổi khí hậu”, Nhóm II: “Tác động, thích ứng và khả năng bị tổn thương”, Nhóm III: “Giảm nhẹ biến đổi khí hậu”. 12. Ngân hàng Thế giới, 2012. Tăng trưởng xanh cho mọi người: Con đường hướng tới Phát triển bền vững, Ngân hành thế giới. Oa-sinh-ton D.C.. 13. Quyết định phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Số 158/2008/QĐ-TTg, ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ. 14.Sumi, A; Mimura, N; Masui, T., 2011. Climate change and Global Sustainability: A Hoclistic Approach. UN University Press. Tokyo-New York-Paris. 15. Truong Quang Hoc and Tran Hong Thai, 2008. Climate Change and Sustainable Development in Vietnam: Climate Change Inpacts on Nature and Society Life. Proceedings, The 2nd Vietnam-Japan Symposium on Climate Change and the Sustainability, 11/2008. Vietnam. National University Press. Ha Noi. 16. Trương Quang Học, 2010. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học của Việt Nam. Kỷ yếu Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ III. Hà Nội, 2010 17. Trương Quang Học, 2012. VIỆT NAM: Thiên nhiên, Môi trường và Phát triển bền vững. Nxb Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội. 18. UNDP, 2007. Báo cáo Phát triển con người 2007/2008. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Đoàn kết nhân loại trong một thế giới phân cách. UNDP, Hà Nội. 19. WB, 2010. Development and Climate Change. World Development Report. The World Bank. 20. WB, 2011. Conflict, Security, and Development. The World Bank. 21. The European Commision, 2012. Life, Lives and Livelyhood. The European Commision’s work on Biodiversity and Development. 20.The future we want: RIO+20 outcome Documents , 2012