Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm chì tới cơ thể sống thông qua dư lượng chì trong tóc người lao động tại các cơ sở tái chế chì thủ công
Thông qua việc phân tích dư lượng chì trong các mẫu tóc của người lao động tại cơ sở tái chế chì thủ công Đông Mai (Hưng Yên), nghiên cứu đã đánh giá được mức độ ô nhiễm chì ở những người lao động trực tiếp. Nghiên cứu xác định được những yếu tố ảnh hưởng đến hàm lượng chì trong tóc của người lao động và khắng định xét nghiệm chì trong tóc là phương pháp hữu hiệu có thế áp dụng trong chân đoán cũng như tiên lượng những trường hợp nhiễm độc chì ở nước ta.
Mở đầu
Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề thủ công đang là một trong những vấn đề bức xúc của Việt Nam hiện nay. Tại các làng nghề tái chế kim loại nặng nói chung và tái chế chì nói riêng, công nghệ còn lạc hậu, thiết bị thô sơ đã gây ô nhiễm môi trường cục bộ, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng và gây ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn trong tương lai. Hiện nay có rất nhiều phương pháp để đánh giá mức độ nhiễm độc chì trong đó, xét nghiệm chì trong tóc là phương pháp hữu hiệu. Phương pháp này có những ưu điểm nổi bật như lấy và bảo quản mẫu dễ dàng, hàm lượng các chất trong tóc phản ánh một cách trung thực tình trạng chuyển hóa của chúng trong cơ thể. Đây là phương pháp có thể áp dụng trong chẩn đoán cũng như tiên lượng những trường hợp nhiễm độc chì ở nước ta. Vì vậy, phương pháp này đã được sử dụng trong nghiên cứu "Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm chì tới cơ thể sống thông qua dư lượng chì trong tóc người lao động tại các cơ sở tái chế chì thủ công" tiến hành tại Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Chì (công thức hóa học: Pb) là kim loại nặng màu xám nhạt, rất mềm có thể cắt được bằng dao. Lượng chì được sử dụng trong công nghiệp đứng thứ 5 sau Fe, Cu, AI, Zn [1]. Lượng Pb tiêu thụ trên thế giới ngày một tăng dẫn đến lượng chì thải ra môi trường ngày càng lớn. Khoảng 95% tổng lượng phát xạ của các hợp chất chì đi vào khí quyển là do hoạt động nhân tạo [2]. Chì phát tán vào môi trường theo đất, nước, không khí và xâm nhập vào cơ thể người thông qua ba đường: hô hấp, tiêu hóa và da. Sau khi vào cơ thể, chì có thể gây tác hại đến hệ thống tạo huyết, hệ thần kinh, thận, hệ tiêu hóa, bộ máy tim mạch, bộ máy sinh sản, gây các tổn thương xương và ảnh hưởng đến di truyền. Do những tác hại đó nên việc đánh giá mức độ nhiễm độc chì là hết sức cần thiết.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Chất liệu được lựa chọn nghiên cứu là tóc. Tóc được đánh giá là một chất liệu sinh học với những ưu điểm nổi bật như: tốc độ phát triển ổn định, dễ lấy mẫu, vận chuyển và bảo quản, không gây đau đớn cho đối tượng nghiên cứu, mức độ hàm lượng các chất vi lượng ở tóc phản ánh trung thực tình trạng chuyển hóa của chúng trong cơ thể con người, giữa hàm lượng chì trong máu và trong tóc có mối tương quan chặt chẽ nên có thể dùng hàm lượng chì trong tóc làm một chỉ số đánh giá mức độ cơ thể bị nhiễm chì.
Đối tượng được chọn để nghiên cứu là người lao động trực tiếp tham gia vào các công đoạn khác nhau của quá trình tái chế chì thủ công tại làng nghề Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Trong phạm vi nghiên cứu này, mẫu được lựa chọn lấy trên 15 người lao động: 10 người làm công việc dỡ ắcquy và 5 người làm công việc hẩy chì với tuổi đời từ 18 đến 60 và tuổi nghề từ 2 tháng đến 25 năm.
Tiến hành lấy mẫu: tóc được lấy ở vùng ụ chẩm (đỉnh đầu) cách da đầu 2 cm và được bảo quản trong hộp nhựa tròn đường kính 50 Iran, có nắp đậy kín. Ghi kí hiệu mẫu để tránh nhầm lẫn trong quá trình vận chuyển. Trước khi phân tích, mẫu tóc được xử lý.
Xử lý mẫu tóc: các mẫu tóc được rửa sạch bằng nước cất hai lần và làm khô tự nhiên. Cân chính xác 0,2 g tóc cho vào ống phá mẫu, thêm 5 ml dung dịch axit nitric đậm đặc (HNO3 65%) và 1 ml dung dịch axit perchloric (HClO4 70%). Đặt ống mẫu vào lò vi sóng ETHOS 900 (ITALY), duy trì ở nhiệt độ 150°c trong 2 giờ. Khi quá trình vô cơ hóa mẫu hoàn thành, hỗn hợp trở nên dung dịch trong và hàm lượng chì được định lượng bằng phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử (Atomic Absorption spectroscopy -AAS) tại các điều kiện:
+ Vạch hấp thụ nguyên tử: 283,3 (nm)
+ Khe sáng: 0,2 (nm)
+ Đèn Hollow catode: nguyên tố chì Pb
+ Tốc độ dẫn mẫu: 5(ml/phút)
+ Độ nhạy: 0,0001 - 20 (mg/1) + Dãy chuẩn: từ 0,0001 - 20 mg/L tùy nồng độ mẫu
+ Ngọn lửa sử dụng để nguyên tử hóa mẫu: hỗn hợp không khí và axetylen
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người làm công việc dỡ ắcquy, tuổi nghề càng cao hàm lượng chì tóc càng lớn. Điều này có thể quan sát rõ nhất ở những người có tuổi nghề lớn hơn 5 năm. Cũng như nhóm những nguôi làm công việc dỡ ắcquy, ở nhóm những người những người "hẩy chì", thời gian tiếp xúc nghề nghiệp với chì càng cao, hàm lượng chì tóc càng lớn. Điều này hoàn toàn hợp lý vì khi cùng một môi trường lao động, thời gian tiếp xúc càng dài, mức độ nhiễm độc chì càng tăng lên. Đặc biệt người có tuổi đời cao nhất (25 năm) có hàm lượng chì tóc rất lớn (2,695 mg/g).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng Pb trung bình trong tóc ở những người lao động có tuổi nghề > 6 năm là cao nhất (1,878 mg/g), sau đó đến nhóm những người có tuổi nghề từ 3 - 6 năm (0,485 mg/g) và nhỏ nhất là những người làm tái chế chì dưới 3 năm (0,296 mg/g). Nguyên nhân có thể do mức độ nhiễm độc ngoài việc phụ thuộc vào bản chất của các hóa chất còn chịu ảnh hưởng rất lớn bởi điều kiện tiếp xúc bao gồm liều lượng hay nồng độ, con đường tiếp xúc và thời gian tiếp xúc.
Mối quan hệ giữa hàm lượng chì tóc và tuổi đời của các đối tượng nghiên cứu
Ở cả hai nhóm những người dỡ ắcquy và "hẩy chì", hàm lượng chì tóc của những người nhiều tuổi cao hơn so với hàm lượng chì tóc của những người trẻ, đặc biệt ở những người trên 40 tuổi. Nguyên nhân là do những người trẻ tuổi có sức đề kháng tốt hơn. Một yếu tố khác cũng rất quan trọng: Đông Mai là một làng nghề thủ công truyền thống, tất cả các đối tượng nghiên cứu đều là người địa phương, ở ngay gần khu vực sản xuất nên tuổi đời càng cao cũng đồng nghĩa với việc thời gian sinh sống trong khu vực ô nhiễm chì càng lâu.
Hàm lượng chì tóc của người lao động phân theo công việc
Ghi chú: 1. Nhóm "hẩy chì"
2. Nhóm dỡ ắcquy
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng Pb tóc trung bình của nhóm những người "hẩy chì" (1,446 mg/g) cao hơn nhiều so với hàm lượng Pb trong tóc của nhóm những người dỡ ắcquy (0,606 mg/g). Môi trường làm việc của những người "hẩy chì" có nhiệt độ rất cao, lượng khí thải trong đó chứa hơi chì, xỉ than, xỉ chì rất lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để chì xâm nhập vào cơ thể người lao động nên hàm lượng Pb tóc trung bình của nhóm những người "hẩy chì" rất cao.
Hàm lượng chì tóc của người lao động phân theo giới tính
Nhận xét
Không nhận thấy sự khác biệt về hàm lượng chì tóc theo giới, hàm lượng chì trong tóc trung bình của nam là 0,88 mg/g, của nữ là 0,900 mg/g.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu được tiến hành dựa trên việc thu thập số liệu, tiến hành điều tra, phỏng vấn người lao động và kết họp với phân tích mẫu tóc với đã thu được một số kết quả sơ bộ như sau:
Hàm lượng chì trong tóc của người lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tuổi nghề càng cao, hàm lượng chì trong tóc càng lớn; Tuổi đời càng lớn, hàm lượng chì trong tóc càng tăng; Hàm lượng chì tóc phụ thuộc vào vị trí công việc, hàm lượng chì trong tóc của những người "hẩy chì" cao hơn những người dỡ ắcquy; Hàm lượng chì tóc không phụ thuộc vào giới tính; Những người có hàm lượng chì tóc càng cao, biểu hiện nhiễm độc chì càng rõ rệt.
Với những ưu điểm nổi bật như quy trình lấy và bảo quản mẫu dễ dàng, hàm lượng chì trong tóc phản ánh một cách trung thực tình trạng chuyển hóa của chúng trong cơ thể, tóc là bệnh phẩm đáng tin cậy. Việc xét nghiệm chì trong tóc là phương pháp hữu hiệu có thể áp dụng trong chẩn đoán cũng như tiên lượng những trường họp nhiễm độc chì ở nước ta.
Công việc nấu tái chế chì thủ công cần có sự quản lý chặt chẽ của các cấp chính quyền địa phương. Áp dụng chuyển đổi công nghệ mới, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải... nhằm giảm thiểu những tác động có hại của việc nấu tái chế chì tới môi trường.
Nâng cao nhận thức cho người lao động về tính chất độc hại của chì để từ đó tự bảo vệ mình; Trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân như quần áo, mũ, kính, khẩu trang, găng tay, ủng..; Không ăn uống, hút thuốc tại nơi sản xuất; Tắm rửa, thay quần áo sau khi làm việc...;
Định kỳ khám sức khỏe để có thể sớm phát hiện những trường hợp bị thấm nhiễm chì.
Để có thể nghiên cứu chính xác cơ chế ảnh hưởng của chì đến sức khỏe con người cần tiếp tục nghiên cứu các yếu tố khác cũng có ảnh hưởng tới hàm lượng chì trong tóc như điều kiện sống, thời gian tiếp xúc, sức đề kháng của người tiếp xúc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. PGS. TS. Đặng Kim Chi, Hóa học môi trưởng, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội 2001
2. Cục Môi trường, Khảo sát đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường một số làng nghề thuộc các tỉnh Hà Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Báo cáo khoa học, Hà Nội 2000
3. Lại Văn Hòa, Nghiên cứu xác định hàm lượng chì và một số kim loại trong máu, trong tóc của công nhân luyện gang và công nhân in, Luận văn tiến sỹ dược, Hà Nội 1996
4. Đề tài KC 08 - 09, Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách và biện pháp giải quyết vấn đề môi trường ở các làng nghề Việt Nam.
5. Chatopadhyay A., HobertM., Jervis R. E., Scalp hairas amonitor of community exposure to lead. Arch - Envir. 1997
6. Landrigan p. J., Todd A. c Lead poisoning, West -J-Med. 1994
World Health Organiiation (1995), Inorganic lead. File:Đánh giá ảnh hưởng của chì đối với cơ thể sống. Đặng Kim Chi, Hoàng Thu Hương, Nguyễn Chi Lan - Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội