Giới thiệu tập sách của Bộ Công Thương Hướng dẫn về môi trường và xã hội (hướng dẫn môi trường và xã hội) đối với các dự án thủy điện nhỏ ở Việt Nam
Mở đầu: Ở Việt Nam, ngoài hiệu quả kinh tế, các nhà máy thủy điện nhỏ đã gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường tự nhiên (thay đổi chế độ thủy văn, mất nước ở hạ lưu; xói mòn; phá rừng; tác hại đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật); tác động xấu đến điều kiện xã hội vùng bị ảnh hưởng và rủi ro môi trường. Việc điều tiết nước của các nhà máy thủy điện nhỏ có thể đã góp phần đáng kể vào hậu quả nghiêm trọng của đợt lũ lụt ở miền Trung vào tháng 10 năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay, tác động môi trường, xã hội và công tác quản lý các loại dự án này chưa được quan tâm đúng mức trong công tác chuẩn bị dự án, ĐTM, thẩm định và quản lý. Do đó, tài liệu “Hướng dẫn về Môi trường và Xã hội cho các Dự án Thủy điện Nhỏ, được biên soạn bởi Lê Trình (PGS., TS., Khoa học môi trường, Chủ biên), Vũ Ngọc Long (TS sinh thái học), Trần Quý Sửu (ThS., Chuyên gia xã hội của ADB), Lê Quang Huy (ThS., Chuyên gia thủy điện) cho Bộ Công Thương vào tháng 11 năm 2016 theo REDP (SECO TF098460) cần được tham khảo và áp dụng.
TƯ VẤN: VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ PHÁT TRIỂN (VESDEC)
GIỚI THIỆU TẬP SÁCH CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG HƯỚNG DẪN VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI (HƯỚNG DẪN MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI) ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN THỦY ĐIỆN NHỎ Ở VIỆT NAM
MỞ ĐẦU
1. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU CỦA HƯỚNG DẪN MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN THỦY ĐIỆN NHỎ 1.1. Sự cần thiết
Ở nước ta đã có trên 1.000 địa điểm đã được đánh giá là có khả năng phát triển loại hình dự án thủy điện công suất dưới 30 MW. Đến năm 2016 khoảng 190 dự án thủy điện nhỏ đã được xây dựng và 456 dự án khác có tổng công suất 6.349 MW đang được nghiên cứu. Theo Quyết định số 2394/QĐ- BCT ngày 01/9/2006 của Bộ Công Thương quy định phân loại công suất lắp máy thủy điện và siêu nhỏ như sau: - Thuỷ điện nhỏ: công suất lắp máy lớn hơn hoặc bằng 1 MW và nhỏ hơn hoặc bằng 30 MW (từ 1 MW đến 30 MW). - Thủy điện siêu nhỏ: công suất lắp máy nhỏ hơn 1 MW. Tuy nhiên hiện nay các tác động của các dự án này đến môi trường tự nhiên và văn hóa, xã hội đang gây lo ngại cho các địa phương có công trình và các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, văn hóa, xã hội. Trong vài năm gần đấy đã có hàng trăm bài báo, hàng chục hội thảo phản ảnh các tác động xấu đến sinh thái và xã hội của dự án thủy điện nhỏ. Trong tháng 02/2012 Bộ Công Thương đã gửi văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ loại bỏ 324 dự án thủy điện nhỏ. Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: đến tháng 02/2014 các tỉnh Tây Nguyên và các huyện giáp Tây Nguyên đã loại bỏ 167 dự án thủy điện nhỏ, với tổng công suất 617,36 MW và 75 vị trí dự án tiềm năng, với tổng công suất 135 MW. Nguyên nhân chính là ngoài việc cố tình không tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của nhiều chủ đầu tư, công tác thực hiện các quy định pháp luật và quản lý môi trường các dự án thủy điện nhỏ còn yếu kém; các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, nhà thầu, các đơn vị tư vấn cũng còn hạn chế hiểu biết, nhận thức, thiếu tài liệu kỹ thuật, kinh nghiệm, bài học về tác động môi trường và xã hội của loại hình dự án này. Vì vậy Bộ Công Thương mong muốn xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật để áp dụng cho tất cả các dự án thủy điện nhỏ ở Việt Nam nhằm cải thiện sự tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường và an sinh xã hội theo dịnh hướng phát triển bền vững loại hình dự án này để tiếp tục phát triển các công trình thủy điện nhỏ. Hướng dẫn môi trường và xã hội” (có thể được đặt tiêu đề đầy đủ là “Hướng dẫn Bảo vệ môi trường và An sinh xã hội đối với các dự án thủy điện nhỏ”, gọi tắt là “Hướng dẫn”) này sẽ được Bộ Công Thương ban hành.
1.2. Mục tiêu và yêu cầu cần đạt của Hướng dẫn
(i) Hướng dẫn nhằm phục vụ chủ yếu: (a) các cơ quan quản lý nhà nước; (b) các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn (c) ngân hàng thương mại Trong công tác thẩm định, thiết kế, thi công, vận hành và quản lý dự án đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất các tác động xấu của dự án thủy điện nhỏ đến môi trường tự nhiên và xã hội; (ii) Hướng dẫn bao quát tất cả các giai đoạn của dự án phát triển thủy điện nhỏ: quy hoạch, chuẩn bị, thẩm định, xây dựng, vận hành và tháo dỡ. (iii) Hướng dẫn giúp cho các đơn vị, cá nhân liên quan: xác định rõ các vấn đề, các tác động và các biện pháp giảm thiểu các vấn đề, các tác động xấu đã được dự báo phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam và phù hợp với các quy định, thực tế của các tổ chức quốc tế. Hướng dẫn cũng nêu rõ quy trình thực hiện. (iv) Hướng dẫn được biên soạn theo hình thức thực tế, dễ hiểu; dễ áp dụng. Do vậy, dung lượng không quá dài; các vấn đề môi trường, xã hội được nêu đầy đủ, đặc thù đối với dự án thủy điện nhỏ nhưng không chuyên sâu. Các nội dung cơ bản được nêu trong khoảng 80 trang; các chi tiết kỹ thuật phục vụ cho các cá nhân, đơn vị cần hiểu sâu hơn được đưa vào tập phụ lục kèm theo. (v) Hướng dẫn này được xây dựng dựa trên các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên của Việt Nam, các chính sách về môi trường và xã hội của nhiều tổ chức quốc tế, các tài liệu hướng dẫn về môi trường, xã hội trong nước và quốc tế, trong đó có tham khảo các kết quả nghiên cứu của Bộ Công Thương thực hiện năm 2010 (Environmental Guidelines for Hydroelectric Projects in Vietnam, prepared by Boffa Miskell, Oct. 2010) kết hợp với kết quả khảo sát thực tế tại một số dự án thủy điện nhỏ ở các vùng miền vào tháng 05/2016, hiểu biết, kinh nghiệm của các chuyên gia trong Đoàn Tư vấn lập “Hướng dẫn” nàyvà tham khảo nhiều tài liệu chuyên ngành trên thế giới và trong nước được tổng hợp trong Báo cáo tổng quan do Đoàn Tư vấn biên soạn.
2. CÁC ĐỐI TƯỢNG CỦA “HƯỚNG DẪN”
Các đối tượng chính sẽ sử dụng Hướng dẫn là các đơn vị, cá nhân có liên quan đến quản lý, tư vấn, đầu tư, xây dựng, vận hành các dự án thủy điện nhỏ. “Hướng dẫn” sẽ giúp: Các cơ quan quản lý nhà nước (các Bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; các Sở: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các tỉnh có dự án thủy điện nhỏ): nhận biết các vấn đề chính về môi trường và xã hội cần xem xét trong quá trình thẩm định hiệu qủa kinh tế - xã hội và tác động môi trường của dự án ngay từ giai đoạn hình thành dự án và thực hiện công tác quản lý môi trường đối với dự án trong cả quá trình lựa chọn vị trí dự án, thiết kế, thi công và vận hành theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và tuân thủ các chính sách an toàn của các tổ chức tài chính quốc tế cho vay vốn (nếu có). Các chủ đầu tư (các công ty đầu tư phát triển thủy điện nhỏ): nhận biết các vấn đề chính về môi trường và xã hội cần xem xét ngay trong giai đoạn hình thành dự án và trong cả quá trình lựa chọn vị trí dự án, thiết kế, xây dựng và vận hành và xem xét áp dụng các giải pháp giảm thiểu tác động xấu trong từng giai đoạn được nêu trong “Hướng dẫn” nhằm quản lý môi trường theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và tuân thủ các chính sách an toàn của các tổ chức tài chính quốc tế cho vay vốn (nếu có). Các nhà thầu xây dựng: nhận biết các vấn đề chính về môi trường và xã hội có thể phát sinh trong quá trình xây dựng để lập và thực hiện “Kế hoạch quản lý môi trường tại công trường” với các biện pháp giảm thiểu tác động xấu được nêu trong “Hướng dẫn” để tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), tiêu chuẩn về môi trường và quản lý môi trường theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và tuân thủ các chính sách an toàn của các tổ chức tài chính quốc tế cho vay vốn (nếu có). Các đơn vị tư vấn; nghiên cứu về thủy điện: nhận biết các vấn đề chính về môi trường và xã hội và các giải pháp cần áp dụng để giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường và xã hội trong tất cả các giai đoạn của dự án nhằm giúp Chủ dự án lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Chương trình quản lý môi trường (CQM) và thực hiện giám sát, quan trắc môi trường trong các giai đoạn chuẩn bị xây dựng, xây dựng và vận hành dự án theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và tuân thủ các chính sách an toàn của các tổ chức tài chính quốc tế cho vay vốn (nếu có). Các ngân hàng thương mại/đơn vị cho vay vốn: nhận biết các vấn đề chính về môi trường và xã hội cần xem xét trong quá trình thẩm định hiệu qủa kinh tế - xã hội và tác động môi trường của dự án ngay từ giai đoạn hình thành dự án và thực hiện công tác tín dụng theo định hướng gắn kết phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường, an sinh xã hội theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và tuân thủ các chính sách an toàn của các tổ chức tài chính quốc tế cho vay vốn (nếu có).
3. CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ KỸ THUẬT CỦA “HƯỚNG DẪN”
Hướng dẫn này được nghiên cứu biên soạn dựa theo các văn bản pháp lý và tài liệu kỹ thuật được nêu trong Phần Tài liệu tham khảo ở cuối tài liệu.
4. CÁCH SỬ DỰNG “HƯỚNG DẪN”
Tập tài liệu này không phải là hướng dẫn chuyên biệt về “Đánh giá tác động môi trường”; cũng không phải là hướng dẫn lập “Kế hoạch quản lý môi trường”. Các hướng dẫn kỹ thuật chuyên sâu như vậy đã được nêu trong nhiều tài liệu quốc tế và Việt Nam. “Hướng dẫn môi trường và xã hội…” là tài liệu phục vụ các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn và các ngân hàng thương mại trong công tác thẩm định, thiết kế, thi công, vận hành và quản lý dự án đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất các tác động xấu của dự án thủy điện nhỏ đến môi trường tự nhiên và xã hội do vậy được trình bày ngắn gọn, súc tích với 3 nội dung chính: (a) Nhận dạng/xác định các tác dộng môi trường và xã hội; (b) Các biện pháp giảm thiểu tác động xấu; (c) Trách nhiệm của các bên liên quan trong quản lý môi trường dự án thủy điện nhỏ. Chu trình của một dự án, kể cả dự án thủy điện nhỏ cần trải qua 4 giai đoạn: (a) Giai đoạn chuẩn bị dự án (bao gồm: hình thành ý tưởng; nghiên cứu tiền khả thi, khả thi, thiết kế, thẩm định); (b) Giai đoạn xây dựng; (c) Giai đoạn vận hành; (d) Giai đoạn tháo dỡ, chưa tính đến công tác giám sát và đánh giá kết quả thực hiện dự án. Theo quy định của Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế công tác quản lý dự án, trong đó có xem xét các vấn đề môi trường cần được triển khai từ giai đoạn chuẩn bị dự án. Sơ đồ các nội dung xem xét và quản lý môi trường và trách nhiệm của các bên trong quản lý môi trường đ ược thể hiện trong hình 1.
Hình 1. Sơ đồ các bước triển khai dự án và quản lý môi trường
Theo chu trình nêu trên tùy theo trách nhiệm trong quản lý môi trường của người/đơn vị sử dụng Hướng dẫn cần: a. Xem xét Phần Một của Hướng dẫn: để biết trong từng giai đoạn của dự án tác động nào đến môi trường, tài nguyên và xã hội có thể xảy ra; b. Tiếp theo: xem xét Phần Hai của Hướng dẫn: để biết tương ứng với từng tác động xấu của dự án trong từng giai đoạn có thể áp dụng các biện pháp nào để giảm thiểu (ngăn ngừa, kiểm soát, xử lý; bồi thường); c. Tiếp theo: xem xét Phần Ba của Hướng dẫn để xác định các đơn vị, cá nhân thực hiện các trách nhiệm nào trong quản lý môi trường và xã hội trong từng giai đoạn của dự án. Đối với các cá nhân/đơn vị sử dụng Hướng dẫn cần nắm vững từng vấn đề chuyên môn sâu hơn: có thể tham khảo các hướng dẫn chi tiết ở Tập Phụ lục: - Phụ lục 1: Các thành phần môi trường và xã hội có thể bị tác động do các dự án thủy điện - Phụ lục 2: Quy trình và phương pháp giám sát/quan trắc môi trường trong các giai đoạn của dự án thủy điện - Phụ lục 3: Quy trình và phương pháp giám sát đánh giá sự tuân thủ các yêu cầu về quản lý môi trường trong Giai đoạn xây dựng dự án thủy điện - Phụ lục 4: Mẫu biên bản ghi nhận sự không tuân thủ và yêu cầu hành động khắc phục - Phụ lục 5: Dòng chảy môi trường và tính toán dòng chảy môi trường - Phụ lục 6: Chính sách an toàn xã hội, tái định cư của Việt Nam và tổ chức tài chính quốc tế. - Phụ lục 7: Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch tái định cư. - Phụ lục 8: Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số. - Phụ lục 9: Hướng dẫn quy trình khiếu kiện về môi trường.
5. SƠ LƯỢC VỀ CÁC LOẠI HÌNH THỦY ĐIỆN NHỎ Ở VIỆT NAM
Sơ đồ nguyên lý một nhà máy thủy điện có hồ chứa (bao gồm các loại công suất) được thể hiện ở hình 2.
Hình 2: Sơ đồ nguyên lý một hệ thống thủy điện có hồ chứa
Theo phương thức khai thác hồ chứa có thể phân thủy điện nhỏ thành 2 dạng chính: a. Nhà máy không có hồ điều tiết, b. Nhà máy có hồ điều tiết. Theo vị trí nhà máy thủy điện nhỏ có thể được phân ra thành 2 dạng chính: a. Nhà máy kiểu ngang đập và sau đập, b. Nhà máy kiểu đường dẫn. Đặc điểm của từng loại hình thủy điện nhỏ được tóm tắt dưới đây.
5.1. Nhà máy không có hồ điều tiết
Với nhà máy sử dụng dòng chảy cơ bản, hồ không có khả năng điều tiết, tức là không có khả năng trữ nước trong thời gian thấp điểm của hệ thống điện để phát điện vào thời gian cao điểm của hệ thống điện. Lưu lượng tự nhiên đến tuyến công trình và lưu lượng phát điện là hầu như không thay đổi. Mực nước trong hồ luôn bằng hoặc lớn hơn mực nước dâng bình thường (MNDBT).
5.2. Nhà máy có hồ điều tiết
Với nhà máy có hồ điều tiết, hồ chứa có khả năng trữ nước vào thời gian thấp điểm để phát điện vào thời gian cao điểm hoặc trữ nước vào giai đoạn nhiều nước để xả vào giai đoạn ít nước. Theo thời gian điều tiết có thể chia thành: - Hồ điều tiết ngắn hạn: điều tiết ngày, điều tiết tuần. - Hồ điều tiết dài hạn: Nói chung thủy điện nhỏ không có hồ điều tiết dài hạn. Tuy nhiên không loại trừ trường hợp chủ đầu tư xây hồ có quy mô lớn so với tổng lượng dòng chảy tới tuyến đập ứng với lưu vực có quy mô nhỏ. Để phán đoán mức độ điều tiết dòng nước của hồ chứa, người ta dựa vào trị số dung tích tương đối có ích của hồ chứa β. Đó là tỷ số giữa dung tích có ích của hồ Vh với lượng dòng chảy năm tính trung bình nhiều năm W0 tại tuyến đập, b = Vh/W0 - Khi β > 0,3 đến 0,5 → tính toán theo hồ điều tiết nhiều năm; - Khi 0,02 ≤ β ≤ 0,3 → tính toán theo hồ điều tiết năm; - Khi β ≤ 0,02 → tính toán theo hồ điều tiết ngày đêm hoặc không điều tiết.
Phạm vi tác động của dự án có thể bao gồm: a. Khu vực hồ chứa và đoạn sông thượng lưu dự án và các đoạn sông, khu vực phụ cận hồ chứa. b. Khu vực xây dựng công trình chính: đập, tràn, tuyến năng lượng, nhà máy, trạm biến áp, đường dây truyền tải. c. Khu vực các công trình phụ trợ: cơ sở sản xuất bêtông, mỏ vật liệu, bãi trữ, bãi thải, đường thi công trong công trường; lán trại công nhân. d. Khu vực lưu vực sông phía hạ lưu đập: từ đập tới nhà máy (với công trình đường dẫn) và sông/suối sau nhà máy và các khu vực phụ cận. e. Khu vực định cư, sản xuất, kinh doanh có thể bị tác động và khu vực tái định cư (nếu có). Đối tượng chịu tác động của dự án ở mỗi khu vực bao gồm: các thành phần môi trường vật lý (chất lượng môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất; chế độ thủy văn, thủy lực; vi khí hậu; xói lở, bồi lắng; …); các thành phần môi trường sinh vật (các hệ sinh thái trên cạn, dưới nước, tài nguyên rừng, thủy sản, đa dạng sinh học) và các yếu tố xã hội (dân tộc, văn hóa, nghề nghiệp, thu nhập….). Trong “Hướng dẫn” này các vấn đề môi trường và xã hội của dự án ở 5 khu vực trên đều được xem xét.
Về chi tiết: tập Hướng dẫn” bao gồm các mục dưới đây:
PHẦN MỘT: NHẬN DẠNG, XÁC ĐỊNH CÁC TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI CHÍNH CỦA DỰ ÁN THỦY ĐIỆN NHỎ 1.1. PHÂN LOẠI CÁC TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI 1.1.1. Về cách thức tác động 1.1.2. Về mức độ tác động 1.1.3. Về thời đoạn của tác động 1.1.4. Về khả năng phục hồi và kiểm soát tác động 1.2. XÁC ĐỊNH CÁC TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI PHÁT SINH DO DỰ ÁN THỦY ĐIỆN NHỎ 1.2.1. Các tác động môi trường và xã hội trong Giai đoạn chuẩn bị xây dựng 1.2.2. Các tác động môi trường và xã hội trong Giai đoạn xây dựng 1.2.3. Các tác động môi trường và xã hội trong Giai đoạn vận hành 1.2.4. Các tác động môi trường và xã hội trong Giai đoạn tháo dỡ nhà máy 1.2.5. Các tác động tích hợp (cumulative impacts) của thủy điện nhỏ 1.3. CÁC TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC 1.3.1. Tác động tích cực về kinh tế -xã hội 1.3.2. Tác động tích cực về môi trường PHẦN HAI:CÁC BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU TÁC đỘNG XẤU DO PHÁT TRIỂN DỰ ÁN THỦY ĐIỆN NHỎ ĐẾN MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI 2.1. NGUYÊN TẮC GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG XẤU 2.2. CÁC BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG XẤU TRONG GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ XÂY DỰNG 2.2.1. Giảm thiểu tác động xấu do vị trí dự án 2.2.2. Giảm thiểu tác động xấu do hoạt động khảo sát các điểm có thể xây dựng công trình thủy điện 2.2.3. Giảm thiểu tác động xấu do hoạt động thiết kế, lựa chọn công nghệ 2.2.4. Giảm thiểu tác động xấu do quy hoạch vị trí và diện tích các công trình 2.2.5. Giảm thiểu tác động xấu do giải phóng mặt bằng, tái định cư 2.2.6. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do phát sinh chất thải 2.3. CÁC BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG XẤU TRONG GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG.. 51 2.3.1. Các biện pháp giảm thiểu tác động xấu do hoạt động xây dựng 2.3.2. Các biện pháp giảm thiểu tác động xấu do phát sinh chất thải 2.3.3. Các biện pháp giảm thiểu tác động xấu do bảo quản, vận chuyển, sử dụng vật liệu nguy hại 2.3.4. Các biện pháp giảm thiểu tác động xấu do hoạt động lán trại công nhân và quan hệ với nhân dân địa phương 2.3.5. Các biện pháp giảm thiểu tác động xấu do khai thác vật liệu 2.3.6. Các biện pháp giảm thiểu tác động xấu do xây dựng đường dây tải điện 2.3.7. Các biện pháp đảm bảo an toàn 2.3.8. Các biện pháp đảm bảo sức khỏe 2.3.9. Các biện pháp ngăn ngừa, ứng phó sự cố môi trường 2.3.10. Biện pháp bảo vệ tài sản văn hóa vật thể 2.4. CÁC BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG XẤU TRONG GIAI ĐOẠN VẬN HÀNH.. 2.4.1. Các biện pháp giảm thiểu tác động do hoạt động nhà máy, trạm biến thế, đường dây truyền tải 2.4.2. Các biện pháp giảm thiểu tác động do vận hành hồ chứa hoặc hồ trên 2.4.3. Vấn đề an toàn đập, hồ chứa và an toàn công cộng của dự án thủy điện nhỏ 2.5. CÁC BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG XẤU TRONG GIAI ĐOẠN THÁO DỠ 2.5.1. Giảm thiểu tác động do tháo dỡ nhà máy 2.5.2. Giảm thiểu tác động do bỏ hồ chứa (nếu có) 2.5.3. Giảm thiểu tác động do tháo dỡ trạm biến áp 2.6. GIẢM THIỂU CÁC TÁC ĐỘNG TÍCH HỢP 2.6.1. Giảm thiếu các tác động tích hợp trong giai đoạn xây dựng 2.6.2. Giảm thiếu tác động tích hợp trong giai đoạn vận hành PHẦN BA:TRÁCH NHIỆM CÁC BÊN TRONG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG, GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG XẤU ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN THỦY ĐIỆN NHỎ 3.1. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC 1. Bộ Công Thương 2. Bộ Tài nguyên và Môi trường 3. Các sở Tài nguyên và Môi trường 3.2. TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ ĐẦU TƯ, TƯ VẤN, NHÀ THẦU, NGÂN HÀNG 1. Chủ đầu tư 2. Đơn vị tư vấn 3. Nhà thầu xây dựng 4. Ngân hàng thương mại/ tổ chức cho vay vốn 3.3. TRÁCH NHIỆM CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tác giả bài viết: PGS.TS. Lê Trình
Nguồn tin: VESDEC
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://vesdec.com.vn là vi phạm bản quyền