Sản xuất thành công bể biogas bằng vật liệu nhựa tái chế
Nhóm tác giả Ngô Duy Đông, Phạm Quang Trung – Công ty TNHH phát triển khí sinh học Môi trường xanh tự thiết kế và đưa vào sản xuất bể biogas bằng vật liệu nhựa tái chế. Giải pháp đã được trao giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Khoa học - Công nghệ và Kỹ thuật Thái Bình năm 2012 – 2013.
Hiện nay, việc sử dụng bể biogas để tạo nguồn khí sinh học được coi là giải pháp hữu hiệu giúp người dân có nguồn năng lượng mới sử dụng để đun nấu, thắp sáng, chạy máy phát điện… Tuy nhiên, bể biogas bằng gạch, bê tông, composite có nhiều nhược điểm như: tuổi thọ không cao, khả năng thu hồi khí thấp, không có khả năng tự đẩy bã, phá váng trên bề mặt trong ngăn chứa dịch phân giải,…
Bể biogas bằng vật liệu nhựa tái sinh là sản phẩm lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế. Bể có kiểu dáng hình cầu, đường kính ngang 2,25 m. Mỗi nửa bán cầu gồm 8 mảng có kích thước và khối lượng bằng nhau được đúc trong khuôn ép bởi máy bơm nhựa áp lực 22.000 tấn; 2 mép của mỗi mảng có khía để đưa gioăng cao su vào giữa và có lỗ ốc định vị khớp nối. Để nâng cao thể tích của bể, phần giữa được thiết kế thêm một hoặc nhiều mô đun hình tròn đường kính 2,25 m để khớp nối với hai nửa bán cầu. Mỗi mô đun cũng được chia thành 8 mảng ghép lại với nhau tạo thành hình ống. Mỗi mô đun khi được ghép nối sẽ tăng thể tích bể nên 3 m3 . Đường ống dẫn dịch phân giải vào sử dụng ống nhựa PVC 200 được đặt sâu bằng 1/3 hình cầu. ống cho dịch phân giải thoát ra đặt sâu dưới đáy hình cầu. Do thiết kế thành nhiều mảnh giống nhau nên dễ vận chuyển, giảm được giá thành khuôn đúc và lực bơm nhựa, chất lượng của các bộ phận là như nhau.
Bể biogas được chế tạo đơn giản, vật liệu là các loại nhựa phế thải có sẵn. Sau khi phân loại, nhựa được xử lý và ép lại sau đó dùng máy xay tạo thành hạt nhựa tái chế cho vào nấu chảy và bơm vào trong khuôn định dạng sản phẩm.
Về nguyên tắc hoạt động, dịch phân giải được cho vào bể thu (đầu thu V1) cũng là bể áp của bể Biogas. Thể tích bể áp bằng 1/3 thể tích nửa bán cầu. Ống dẫn được đặt đến đáy bể áp để khi khí trong hầm được sử dụng từ lúc ngăn chứa đầy đến hết 1/3 thì lượng dịch phân giải trong bể áp được hút hết xuống bể. Dịch phân giải gồm chất hữu cơ và chất lắng cặn. Khi vào bể, chất hữu cơ sẽ nổi (tại V2) hoặc lơ lửng (tại V3), chất cặn chìm xuống đáy (tạ V4). Tại vị trí V2 và V3 là nơi có nồng độ chất hữu cơ cao nhất, vi khuẩn hoạt động mạnh sẽ phân hủy tạo chất hữu cơ thành khí sinh học. Khí này được chứa trong V5 và dẫn qua ống thu khí để sử dụng. Chất hữu cơ trong bể biogas trong quá trình phân hủy sẽ đóng váng trên bề mặt. Sau khi phân hủy hoàn toàn sẽ tạo thành bùn và chìm dần xuống V4. Dưới tác dụng lực ép của bể áp V1 và lực ép khí V5 tưng dần sẽ tự đẩy chất cặn, bùn từ V4 thoát theo ống ra ngoài.
Bể biogas từ vật liệu tái chế lắp ráp dễ dàng, gọn nhẹ, dễ vận chuyển, thể tích chứa khí cao hơn hẳn so với các loại bể trên thị trường, đặc biệt, bể còn có khả năng tăng thể tích bằng cách nối thêm mô đun. Bể được sản xuất tự động trên dây chuyền máy móc hiện đại, không có chất thải gây ô nhiễm môi trường. Chất lượng sản phẩm ổn định, các công đoạn được kiểm soát bằng máy tính nên độ chính xác cao, không phụ thuộc tay nghề của công nhân, là sản phẩm thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế, giá thành thấp, độ bền cao, thích nghi với mọi môi trường chăn nuôi. Do cách bố trí cột áp nên bể có khả năng thu khí cao, không phải hút bã. Khi cần nạo vét chất trong bể cũng rất dễ dàng: Dùng lắp chụp bịt đầu ống vào, dùng máy nén khí bơm vào đầu ống dẫn khí, sẽ ép hết toàn bộ nước, chất thải trong bể ra ngoài.
Mỗi bể biogas bằng nhựa tái chế có cùng thể tích với bể biogas xây bằng gạch giá thành rẻ hơn 35% và rẻ hơn 45% so với bể bằng nhựa compiste. Bể cung cấp 3,5 m3 khí sinh học/ngày và không phát sinh khí độc hại. Tại Thái Bình, Công ty TNHH Phát triển khí sinh học môi trường xanh đã lắp đặt hơn 5000 bể và hiện đang mở rộng phạm vi lắp đặt bể trong toàn tỉnh. Đây được coi là một công nghệ mới, tạo ra bước đột phá trong công nghệ khí sinh học, mở ra tiềm năng lớn trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào công nghệ xử lý chất thải thân thiện với môi trường.