❄
Trường Sa là quần đảo thuộc tỉnh Khánh Hoà nằm ở phía Nam biển đông, bao gồm trên 100 đảo nổi, bãi cạn và bãi ngầm nằm rải rác trong vùng biển có diện tích khoảng 410.000 km2, trong khoảng toạ độ 7030’00’’ -12000’00’’ N; 109030’00’’-114030’00’’E. Quần đảo Trường sa (QĐTS) không những là vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của nước ta mà còn được đánh giá là nơi có đa dạng sinh học cao với nhiều loài sinh vật có giá trị cao và quý hiếm.
Cho đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về đa dạng của hệ thống động thực vật, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản và các điều kiện thuỷ lý, thuỷ hoá, nhưng vẫn còn thiếu những nghiên cứu về khu hệ vi sinh vật, nhóm sinh vật đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển hoá vật chất, đồng thời vi sinh vật cũng là nguồn gen giá trị cho các ngành công nghiệp thực phẩm, y dược và hoá mỹ phẩm. Chính vì vậy, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường Biển đã tiến hành nghiên cứu, điều tra, đánh giá các nhóm vi sinh vật hữu ích, gây hại quan trọng, tuyển chọn và phân loại một số loài vi sinh vật có khả năng sản sinh chất màu carotenoid nhằm mang lại những thông tin quan trọng về nguồn lợi sinh vật biển trên quần đảo Trường Sa, góp phần phát triển ngành công nghiệp thực phẩm dựa trên những thành vi sinh vật hoàn toàn tự nhiên.
Theo ông Đỗ Mạnh Hào, chuyên gia trực tiếp thực hiện công trình nghiên cứu khoa học, bốn mẫu nước đã được lấy bằng Bathometer tại các đảo Nam Yết, Thuyền Chài, Song Tử Tây, Đá Nam để tiến hành phân tích. Kết quả họ đã tìm thấy nhiều loại vi sinh vật, vi khuẩn có lợi trên vùng biển Trường Sa như vi khuẩn có khả năng sử dụng các nguồn chất hữu cơ từ môi trường để sinh trưởng và phát triển như loại ăn dầu KSF có khả năng sử dụng hyđrocacbon thơm, có thể ứng dụng trong xử lý ô nhiễm dầu mà không cần tới các hoạt chất hóa học. Đây là một trong các nhóm vi sinh vật này đóng vai trò rất quan trọng trong chu trình chuyển hoá vật chất cũng như trong các hệ sinh thái biển.
Đặc biệt, các nhà khoa học đã phát hiện trên vùng biển Trường Sa đang tồn tại loại chủng Carotenoid từ vi sinh vật , một loại chất màu đang được các nhà khoa ngành hóa phẩm học rất quan tâm nghiên cứu bởi chúng được ứng dụng rộng rãi như là chất màu tự nhiên trong công nghiệp thực phẩm và hoá mỹ phẩm, chúng cũng là nguồn cung cấp vitamin A cho người. Carotenoid cũng được sử dụng rộng rãi với tác dụng giảm rủi ro mắc các bệnh như là một số dạng ung thư, bệnh về tim và bệnh thoái hóa mắt.
Dựa vào các đặc điểm hình thái, sinh lý, sinh hóa và khóa phân loại, họ đã phân loại được 5 chủng vi khuẩn có khả năng sản sinh chất màu carrotenoid điển hình cho các đảo Thuyền Chài, Song Tử Tây, Nam Yết và Đá Nam thuộc quần đảo Trường Sa, đó là Thuyền chài TC-05-01 Bergey, 1957 Flavobacterium chromogenes; Thuyền chài TC-05-03 Bergey, 1957 Brevibacterium erythrogene; Song Tử ST-05-01 Bergey, 1957 Flavobacterium marinum; Nam yết NY-16-01 Bergey, 1957 Rhodopseudomonas sp; Đá Nam DN-03-01 Bergey, 1957 Flavobacterium marinovirosum. Hầu hết các chủng có khả năng kiềm hóa sữa, hoạt tính catalaza, đồng hóa gelatine, mannose và sucrose và không có khả năng lên men glucose và lactose trừ trường hợp chủng ST-05-01 lại có khả năng lên men cả hai loại đường này và vì vậy chúng đều là những thành phần quan trọng để chất tạo thành chất màu hoàn toàn tự nhiên để sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm .
Hy vọng rằng, với những phát hiện quan trọng về nguồn lợi sinh vật quý giá này trên vùng biển Trường Sa, trong thời gian không xa, nguồn gen giá trị này sẽ được nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi trong ngành ngành công nghiệp thực phẩm, y dược và hoá mỹ phẩm của đất nước.
Tác giả bài viết: -
Nguồn tin: Theo MONRE
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn