Công nghệ đốt rác thải tiết kiệm năng lượng

Lò đốt có thể xử lý tác sinh hoạt trong vòng 24 giờ với công suất 500kg/giờ, đốt được đồng thời nhiều loại rác, đặc biệt không sử dụng năng lượng dầu và điện.
Đó là những ưu điểm chính của lò đốt chất thải rắn do các cán bộ của Công ty TNHH một thành viên Đức Minh và Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt – Lạnh (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) nghiên cứu, chế tạo, một trong những sản phẩm sẵn sàng chuyển giao được Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) đã đầu tư, hỗ trợ.

Không cần sử dụng dầu và điện

Mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt do con người sinh ra từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt và tiêu thụ sản phẩm rất lớn. Nếu được phân loại và xử lý hợp lý, rác thải sẽ trở thành nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở tái chế nhựa, kim loại, thủy tinh, vật liệu xây dựng, ủ rác hữu cơ lấy chất mùn,… phục vụ lại đời sống sản xuất, sinh hoạt của con người và giảm thiểu được lượng rác thải chôn lấp vừa tốn kém, vừa không vệ sinh.

Xuất phát từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu của Công ty TNHH một thành viên Đức Minh và Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt – Lạnh đã nghiên cứu, thiết kế thành công một loại lò đốt rác thải thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Theo thông tin từ Công ty Đức Minh, kết cấu lò đốt được thiết kế có đặc thù riêng, gồm buồng sơ cấp, buồng đốt thứ cấp và hệ thống sấy. Kết cấu lò được xây bằng gạch chịu lửa có hàm lượng cao nhôm 75%, gạch cách nhiệt tiêu chuẩn, gạch dị hình, xi măng chịu nhiệt, bông gốm chịu nhiệt độ đến 1.250 0C và các phụ gia nhập ngoại đảm bảo tính chất bền vững của kết cấu trong điều kiện vận hành nhiệt độ cao. Vỏ lò được thiết kế bởi inox 201 có độ bền cao.

Đầu tiên, rác thải được đưa vào và đốt cháy tại buồng đốt sơ cấp, sản phẩm của buồng đốt này là tro, bụi và các loại khí sẽ được dẫn sang buồng đốt thứ cấp. Tại đây, với nguồn điện bức xạ từ vách lò cùng với việc cấp bổ sung oxy, thời gian lưu trên 2,5 giây, chúng được đốt lại lần nữa và triệt tiêu các khí độc, chất thải, khói, bụi,… Trước khi khói thải ra môi trường, hỗn hợp này được dẫn qua bộ phận tách bụi, thiết bị trao đổi nhiệt nhằm làm giảm nhiệt độ khói thải, đảm bảo khí sạch và có nhiệt độ thấp dưới 2500C phát thải ra môi trường. Thực tế, nhiệt độ khói thải trong quá trình vận hành ở chế độ ổn định dao động từ 1800C đến 2100C. Kết quả phân tích nồng độ các khí thải độc thải ra qua ống khói không vượt quá Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải lò đốt chất thải công nghiệp (QCVN 30-2010/BTNMT).

Công nghệ lò đốt rác thải dựa hoàn toàn trên cơ sở đối lưu tự nhiên của dòng vật chất do sự chênh lệch nhiệt độ tạo ra. Việc kiểm soát và cung cấp oxy trong quá trình cháy được điều khiển bằng việc đóng mở các cửa cấp gió bên dưới hoặc bên thân lò. Lượng nhiệt duy trì quá trình cháy trong lò do rác thải tạo ra trên cơ sở tận dụng tối đa lượng nhiệt bức xạ, lượng nhiệt trong quá trình phản ứng hóa học phân hủy rác mà không cần dùng đến bất kỳ nguồn năng lượng nào từ bên ngoài như dầu, điện, gas,…
Giảm thiểu lớn lượng rác thải chôn lấp

Theo nhóm nghiên cứu, để rác có thể bắt cháy dễ dàng, lò đốt đã chú trọng đến công tác sấy rác, tận dụng nhiệt bức xạ, làm giảm độ ẩm ban đầu và gia nhiệt với tốc độ nhanh cho rác trong buồng đốt sơ cấp. Do đó, với độ ẩm của rác thải khá cao (có thể lên đến 50%) lò vẫn có thể vận hành bình thường, nhiệt độ buồng đốt sơ cấp trên 6500C mà chưa cần dùng đến băng tải cấp liệu để cấp rác cho buồng sấy đặt trong lò.

Mô hình này dễ sử dụng, không phụ thuộc vào bất kỳ nguồn năng lượng nào, dải công suất thay đổi rộng từ 350kg đến 550kg, có thể phục vụ cho một cộng đồng dân cư khoảng 20.000 người. Chi phí cho vận hành lò rất thấp: chỉ dùng đến điện 1pha, điện áp 220V, công suất tối đa 2,2kW cho băng tải cấp rác vào buồng sấy đặt độc lập trong lò, khi rác có độ ẩm trên 50%.

Với những ưu điểm nổi bật trên, có thể nói, công nghệ này rất thuận tiện với cộng đồng sinh hoạt từng vùng, từng khu vực công nghiệp hay các nhà máy, khu sinh hoạt công cộng như: khách sạn, khu du lịch, trường học, hải đảo,… Ngoài tính kinh tế cao vì không phụ thuộc vào bất kỳ nguồn năng lượng nào như dầu, điện, gas…, công nghệ này còn xử lý triệt để vấn đề rác thải của cộng đồng, bảo vệ môi trường sống xung quanh, thay thế cách xử lý rác thải thông thường bằng cách chôn vùi rất tốn kém, ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống.

Qua hiệu quả thực tế, công nghệ lò đốt này đã được nhiều chứng nhận quan trọng trong đó có Chứng nhận của Bộ Khoa học và Công nghệ về lò đốt rác không tiêu hao dầu đốt kèm, cup vàng tại Hội chợ triển lãm quốc tế tháng 9/2012; Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đối với Sáng chế về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt; Giấy chứng nhận thiết bị phù hợp của Bộ Xây dựng, cho phép chuyển giao và nhân rộng trên toàn quốc;… Chương trình IPP cũng đã hỗ trợ, đầu tư để công ty hoàn thiện sản phẩm, hướng đến chuyển giao rộng rãi trong xã hội.

Tác giả bài viết: -

Nguồn tin: Theo Môi trường