Nghiên cứu, đề xuất phương án cải tạo, phục hồi môi trường hợp lý sau khai thác phần lò giếng mỏ than Nam Mẫu

Dự án đầu tư khai thác phần lò giếng từ mức +125 đến mức -200 của mỏ than Nam Mẫu đã được phê duyệt và đi vào triển khai. Song song vài dự án đầu tư thì việc lập Dự án cải tạo phục hồi môi trường đã được tiến hành.
 

Bài viết đề xuất và lựa chọn phương án cải tạo phục hồi môi trường hợp lý cho Dự án khai thác phần lò giếng của mỏ, đồng thời tính toán khối lượng cơ bản cần thực hiện, nhằm cải tạo, phục hồi môi trường khu vực khai thác mỏ, đảm bảo yêu cầu về BVMT và phục vụ các mục đích có lợi cho con người.
1. Đặt vấn dề
Thực hiện Quyết định 71/2008/QĐ-TTg ngày 29/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản, Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác phần lò giếng mỏ than Nam Mẫu huy động khai thác từ +125 -:- -200 đã được phê duyệt và đi vào triển khai. Việc thực hiện lập Dự án cải tạo phục hồi môi trường cho Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác phần lò giếng mỏ than Nam Mẫu là cần thiết.
2. Vị trí địa lý và quy mô dự án
Khai trường mỏ than Nam Mẫu nằm ở xã Thượng Yên Công, cách thị xã Uông Bí khoảng 25 km về phía Tây Bắc, ranh giới khu mỏ như sau:
- Phía Bắc là dãy núi Bảo Đài
- Phía Nam là thôn Nam Mẫu
- Phía Đông giáp khu Cánh Gà mỏ Vàng Danh
- Phía Tây giáp khu di tích chùa Yên Tử
Trong Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác phần lò giếng mỏ than Nam Mẫu chỉ đưa vào thiết kế phần trữ lượng ngoài vùng cấm hoạt động khoáng sản. Mức sâu huy động khai thác từ+125-:--200
Tổng trữ lượng địa chất huy động từ mức +125-:- -200 là 83.869 nghìn tấn (trong đó: +125 -:- -50 là 55.322 nghìn tần ; -50 -:- -200 là 28.547 nghìn tấn).
Trữ lượng công nghiệp là phân trữ lượng được xác định trên cơ sở trữ lượng địa chất huy động trừ đi các tổn thất do bảo vệ phay, các đường lò chủ yếu của mỏ, tổn thất do hệ thống khai thác.
Trên cơ sở trữ lượng công nghiệp, kế hoạch khai thác của phần lò giếng (+125 -:- -200) được xác định như sau: Công suất thiết kế: 2,5 triệu tấn/năm; Tuổi mỏ: 30 năm
3. Khai thông và chuẩn bị khai thác
Mở vỉa ruộng mỏ bằng 3 giếng nghiêng (giếng nghiêng chính, giếng nghiêng phụ và giếng nghiêng thông gió).
- Giếng nghiêng chính đặt băng tải chở than và đường cáp treo chở người được mở từ mặt bằng +125, đối với tầng thứ nhất: +125 -:- -75, chiều dài giếng L = 775 m; đối với tầng thứ hai: -75 -:- -235,73, L = 636 m dốc 15°.
- Giếng nghiêng phụ trang bị trục tải chở đất đá, thiết bị, vật liệu và người được mở từ mặt bằng +125, đối với tầng thứ nhất: +125 -:- -50, L = 676 m; đối với tầng thứ hai: -50 -:- -200, L = 585,16 m dốc 15°.
- Giếng gió số 2 mở từ mặt bằng +260 đến mức -50 dốc 35°, chiều dài 536 m. Diện tích đào Sđ = 23,3 m2, diện tích chống Sc = 219 m2.
- Do điều kiện địa chất của các vỉa than trong khu vực, mỏ áp dụng đồng thời hai công nghệ khai thác: Khoan nổ mìn và cơ giới hóa đồng bộ. Đối với lò chợ áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ, công đoạn khấu than được thực hiện nhờ Combai. Đối với lò chợ khấu than bằng khoan nổ mìn thì dùng máy khoan điện CP - 19M của liên bang Nga hoặc ZM - 12 của Trung Quốc. Nổ mìn bằng thuốc và kíp điện an toàn.
- Chống giữ lò chợ bằng giá thủy lực XDY - 1T2/LY kết hợp với cột thủy lực đơn DZ -22, xà khớp loại HDJB - 1200 hoặc DT13 - 1200 của Trung Quốc sản xuất.
- Để đào các đường lò chuẩn bị sẽ được sử dụng công nghệ khoan nổ mìn với máy khoan khí nén mã hiệu SXPL 241K hoặc YT - 27, máy xúc 1M - 5.
4. Phương án lựa chọn cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác
4.1. Mục tiêu
Việc triển khai thực hiện Dự án "Đầu tư khai thác phần lò giếng mỏ than Nam Mẫu", bên cạnh những tác động tích cực về hiệu quả kinh tế, xã hội tại địa phương, còn gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường khu mỏ và vùng phụ cận: Địa hình khu mỏ một số nơi bị biến đổi; bãi thải hình thành và đất đá thải thuộc loại nghèo, thực vật khó phát triển tự nhiên, bề mặt tầng và sườn tầng của bãi thải sau khi kết thúc đổ thải thì trơ trụi, không có thảm thực vật bao phủ, vì vậy, vào mùa mưa thường xảy ra hiện tượng sụt lở bãi thải, xói mòn đất đá. Diện tích rừng và hệ sinh thái bị suy giảm....
Những tác động được dự báo trên đã đặt ra yêu cầu phải tiến hành cải tạo phục hồi môi trường khu mỏ. Việc phục hồi cần được tiến hành liên tục (ở những nơi có thể) cho tới khi mỏ được đóng cửa.
4.2. Phương án lựa chọn cải tạo
Căn cứ vào hiện trạng, kế hoạch khai thác và sau khi kết thúc dự án, hướng dẫn sử dụng sau khi khai thác. Công tác cải tạo phục hồi môi trường được đề xuất tiến hành trên tổng diện tích khu mỏ sau khi kết thúc và đóng cửa mỏ theo phương án sau:
-Di rời tháo dỡ các công trình phụ trợ khai thác, san lấp tạo mặt bằng theo địa hình hiện tại.
-Xây bịt kín các cửa ngắm, thượng và rãnh gió không còn sử dụng.
-Đào hố thu nước rò rỉ tại các cửa lò đã xây bịt và dẫn nước về trạm xử lý, đào hố với kích thước 40x40x40 cm và đổ đất trồng cây.
-San gạt đường giao thông nội mỏ, đào hố với kích thước 40x40x40 cm và đổ đất trồng cây.
-Dựng các biển báo và hàng rào bảo vệ xung quanh cửa lò.
4.3. Khối lượng công việc thực hiện
4.3.1. Đối với mặt bằng sân công nghiệp
Khi chưa thực hiện Dự án thì nơi đây là đồi núi, rừng cây: Vì vậy, phương án cải tạo, phục hồi môi trường chỉ là san gạt, đổ đất mùn và trồng cây nhằm phục hồi rừng. Nội dung công tác cải tạo phục hồi môi trường bao gồm:
-Tháo dỡ di dời phần lớn các hạng mục công trình trên mặt bằng khai thác sau khi Dự án kết thúc khai thác. Các thiết bị sau khi tháo dỡ sẽ được bán ngay tại chỗ.
-San gạt cải tạo đất đá và tạo độ dốc thoát nước phù hợp để thuận lợi cho trồng cây.
-Tạo hố, bón phân và trồng các loại cây lâm nghiệp phù hợp (keo lá chàm) phục hồi môi trường. Lựa chọn cây keo để trồng cải tạo môi trường vì đây là loại cây có tán lá rộng, dễ sinh trưởng và phát triển, phù hợp với thổ nhưỡng khu vực, khi trưởng thành sẽ cho thu hoạch gỗ phục vụ công nghiệp.
4.3.2. Đối với các đường lò và cửa giếng
Với công nghệ khai thác của Dự án "đào lò giếng ngắm khai thác than bằng khoan nổ mìn, khấu bằng máy combai và phá hỏa toàn phần sau khai thác", do vậy hầu hết các đường lò chuẩn bị và lò chợ sau khai thác đã được chèn lấp do đất đá tự sập đổ, chỉ còn các cửa lò nối thông với mặt bằng cần phải cải tạo, xử lý. Hiện tại quan trắc trong quá trình khai thác, nồng độ xuất khí và lưu lượng nước chảy ra là rất nhỏ, mặt khác sau khi kết thúc khai thác, các đường lò tự sập đổ nên các khí độc sẽ thoát qua các khe nứt, cửa lò nằm ở mức cao hơn các suối trong khu vực, nên sẽ không có nước tích tụ trong khu vực cửa lò. Các cửa lò, miệng giếng được xây bịt theo đúng quy phạm kỹ thuật an toàn trong khai thác than và diệp thạch TCN-14-06-2006.
Các cửa lò sẽ được chọn giải pháp xử lý (chèn lấp đất đá và xây bịt bằng gạch đặc) để tránh sự cố sập nở sụt lún, tràn khí độc hại vào môi trường xung quanh gây mất an toàn cho người và gia xúc chăn thả. Đồng thời dựng hàng rào và cắm biển cảnh báo khu vực các cửa lò.
4.3.3. Đối với bãi thải đát đá
Dự án không sử dụng bãi thải riêng mà một phần đất đá đào lò được sử dụng để chèn lấp lò, một phần đất đá được đổ chung với bãi thải thuộc dự án khác và sẽ được cải tạo, phục hồi môi trường theo dự án khác.
 5. Kết luận
-Lựa chọn được phương án cải tạo, phục hồi môi trường hợp lý sẽ góp phần hoàn trả lại môi trường khu vực, phù hợp với quy hoạch chung của khu vực, đảm bảo môi trường sinh thái, hạn chế được những hậu quả xấu do công trình khai thác để lại. Việc lập dự án cải tạo phục hồi môi trường cho Dự án là cấp thiết, để có kế hoạch cải tạo môi trường kịp thời và hợp lý.
PGS.TS. Trần Xuân Hà - Trường Đại học Mỏ - Địa chất; KS. Lại Đức Ngân - Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường
Chuyên đề khai thác khoáng sản gắn với BVMT

Tác giả bài viết: -

Nguồn tin: Theo VEA